10 cách làm giảm đau bụng kinh hiệu quả tại nhà


Là phụ nữ chắc ai cũng từng không ít lần khổ sở khi "bà dì" đến thăm. Vậy làm sao để biết triệu chứng của cơn đau bụng kinh là bình thường hay bất thường và cách làm giảm đau bụng kinh tại nhà hiệu quả mà an toàn nhất là gì? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết ngày hôm nay.


 Cơn đau bụng kinh chính là nỗi ám ảnh mỗi tháng của các nàng


1. Tìm hiểu về đau bụng kinh

1.1. Đau bụng kinh là gì?

Đau bụng kinh là những cơn đau nhói, quặn thắt ở vùng bụng dưới xảy ra trong thời gian hành kinh. Hơn một nửa số phụ nữ có kinh nguyệt sẽ bị đau từ 1 đến 2 ngày mỗi tháng. Thông thường cơn đau này chỉ xảy ra ở mức độ nhẹ nhưng một số người có thể trải qua cơn đau dữ dội đến mức họ không thể sinh hoạt bình thường trong vài ngày. Mức độ và tần suất đau sẽ ít đau hơn khi bạn già đi và tình trạng đau này cũng có thể cải thiện sau khi bạn có con.

Có 2 dạng đau bụng kinh:

    Đau bụng kinh nguyên phát: xảy ra do các quá trình sinh lý bình thường của cơ thể. Vào những ngày hành kinh, cơ thể sẽ tiết ra một chất hóa học tự nhiên gọi là prostaglandin trong niêm mạc tử cung. Prostaglandin khiến các cơ và mạch máu của tử cung co lại để tống hết phần niêm mạc dày lên ra bên ngoài. Lượng prostaglandin được tiết ra nhiều nhất vào ngày đầu và sẽ giảm xuống sau đó. Đây là lý do tại sao cơn đau có xu hướng giảm bớt sau vài ngày đầu tiên của kỳ kinh.

    Đau bụng kinh thứ phát: xảy ra do những bệnh lý ở cơ quan sinh sản. Cơn đau có xu hướng tồi tệ hơn theo thời gian và thường kéo dài hơn những cơn đau bụng kinh nguyên phát. Một số bệnh lý gây ra đau bụng kinh thứ phát bao gồm lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, ung thư tử cung,...


 Có hai dạng đau bụng kinh là nguyên phát và thứ phát


1.2. Các triệu chứng của đau bụng kinh

Các triệu chứng thường gặp của đau bụng kinh bao gồm:

    Đau âm ỉ hoặc quặn thắt ở bụng dưới

    Cơn đau có thể bắt đầu từ 1 đến 3 ngày trước khi có kinh, đỉnh điểm là 24 giờ sau khi bắt đầu có kinh và giảm dần sau 2 đến 3 ngày

    Đau lan xuống lưng dưới và đùi

    Buồn nôn, đau đầu, chóng mắt, tiêu chảy

Tuy nhiên đau bụng kinh với những triệu chứng bất thường cũng có thể là dấu hiệu báo động cho những bệnh tiềm ẩn. Hãy đến gặp bác sĩ nếu có những cơn đau của bạn có những triệu chứng sau:

    Cơn đau liên tục, dữ dội, ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của bạn

    Cơn đau dữ dội hơn, hoặc ra nhiều máu hơn theo thời gian

    Dùng các thuốc giảm đau nhưng không có tác dụng

    Co thắt bụng dưới đột ngột hoặc đau vùng chậu. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng và cần điều trị sớm để tránh những hậu quả liền quan đến khả năng sinh sản. Một số triệu chứng khác gợi ý nhiễm trùng bao gồm sốt và dịch tiết âm đạo có mùi hôi.

1.3. Những ai dễ bị đau bụng kinh?

Đau bụng kinh sẽ bắt đầu sau khi bạn bắt đầu có kinh và tùy vào sinh lý mỗi người cũng như lối sống hàng ngày mà mức độ đau có thể khác nhau. Một số đối tượng sau đây có nguy cơ bị đau bụng kinh thường xuyên và mức độ nặng hơn, gồm:

    Dậy thì trước năm 11 tuổi

    Có yếu tố di truyền từ những người trong gia đình như bà, mẹ, cô dì, chị gái cũng bị đau bụng kinh

    Hút thuốc lá

    Ra máu nhiều khi có kinh, kinh nguyệt không đều

    Đặt vòng tránh thai, nạo phá thai

    Mắc một số bệnh phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u nang cơ tử cung... đây cũng là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau bụng kinh dữ dội

    Chế độ ăn uống không khoa học trong những ngày hành kinh như ăn đồ cay nóng, ăn đồ lạnh, bụng không được giữ ấm...

    Do dị tật bẩm sinh ở tử cung như tử cung ngả sau hoặc ngả trước gây ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu kinh gây đau bụng kinh


2. Hướng dẫn 10 cách làm giảm đau bụng kinh hiệu quả và an toàn tại nhà

2.1. Giải quyết các tác nhân làm tăng cơn đau bụng kinh

Đối với các trường hợp đau bụng kinh thứ phát, muốn giải quyết các cơn đau cần phải điều trị bệnh lý triệt để. Vì vậy, người bệnh cần phải đi khám chuyên khoa ngay khi phát hiện triệu chứng bệnh để có phương án điều trị thích hợp.

2.2. Cách làm giảm đau bụng kinh bằng chườm ấm vùng bụng dưới

Khi bị đau bụng kinh, bạn có thể dùng một ít nước ấm cho vào bình thủy tinh, bình cao su hoặc dùng khăn ấm chườm lên vùng bụng dưới. Đây là cách giảm đau được nhiều người áp dụng vì nước ấm sẽ giúp cho tử cung co thắt nhịp nhàng hơn khiến máu kinh được đẩy ra bên ngoài dễ dàng, giúp cơn đau dịu lại.


 Chườm ấm vùng bụng dưới giúp làm giảm cơn đau bụng kinh


2.3. Giảm đau bụng kinh bằng nước ấm

Nước ấm giúp máu lưu thông khắp cơ thể tốt hơn và thư giãn các cơ của tử cung. Vậy nên tốt nhất là bạn hãy uống đủ nước mỗi ngày và dùng nước ấm thay cho nước bình thường để giúp giảm các cơn đau cũng như cảm giác khó chịu khi đến kỳ kinh nguyệt.

2.4. Cách làm giảm đau bụng kinh bằng thiền, yoga thư giãn

Tập yoga là phương pháp rất hữu ích mà các chị em thường truyền tay nhau để giảm đau bụng mỗi khi tới kỳ kinh. Các nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tập yoga 60 phút mỗi tuần một lần trong 12 tuần cảm thấy ít bị đau bụng kinh và đau bụng kinh nhẹ hơn so với những người không tập yoga. Một số tư thế tốt có thể áp dụng cho phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt bao gồm tư thế cây cầu, tư thế cây gậy, tư thế em bé... Hãy tìm một người hướng dẫn yoga có chuyên môn chỉ cho bạn những tư thế này.


 Yoga cũng là một cách hiệu quả để thư giãn tinh thần, giúp giảm cơn đau bụng kinh


2.5. Mát xa, xoa bóp vùng bụng dưới

Những động tác xoa bóp vùng bụng dưới nhẹ nhàng giúp làm tăng lưu lượng máu, cơ bụng giãn ra và giảm co thắt bụng dưới – nguyên nhân chính gây đau bụng kinh.

Hãy xoa bụng theo chiều kim đồng hồ, thực hiện từ từ với lực vừa phải trong vòng một phút. Có thể bôi thêm các loại tinh dầu như dầu oải hương, kinh giới để cơn đau giảm nhanh hơn.

2.6. Ăn nhiều trái cây, rau xanh, các loại thực phẩm bổ sung Omega-3 và vitamin

Đây đều là những thực phẩm giàu chất chống viêm, giúp thúc đẩy lưu lượng máu đến tử cung và thư giãn tử cung. Hãy bổ sung những loại trái cây như cam, quýt, dâu tây, việt quất,... Các loại rau xanh, quả hạch như quả óc chó, hạnh nhân hay cá hồi, cá trích cũng là nguồn thực phẩm chứa chất chống viêm dồi dào.

2.7. Cách làm giảm đau bụng kinh bằng uống trà gừng

Nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất được tìm thấy trong gừng có thể ức chế sản xuất prostaglandin từ đó giúp giảm cơn đau bụng kinh. Bạn hãy làm cho mình một ly trà gừng bằng cách thêm vài lát gừng vào một cốc nước ấm, có thể cho thêm một thìa mật ong và vài giọt chanh để uống ngon hơn. Uống liên tục trà gừng trong thời gian hành kinh sẽ giúp bạn giảm đau bụng rõ rệt.

2.8 Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc

Nghỉ ngơi và ngủ đủ 7 - 8 tiếng một ngày sẽ giúp cơ thể được thư giãn và hồi phục sức khỏe. Đồng thời việc không ngủ nghỉ đầy đủ còn là nguyên nhân gây ra stress, làm tăng cảm giác mệt mỏi uể oải và những cơn đau do chu kỳ kinh nguyệt gây ra.


 Ngủ đủ giấc khiến cho cơn đau bụng kinh trở nên nhẹ nhàng hơn


2.9. Tập thể dục nhẹ nhàng

Có thể sự khó chịu và các cơn đau khi đến chu kỳ "đèn đỏ" khiến bạn thấy không thoải mái nếu phải vận động nhiều nhưng sự thật đó là tập thể dục sẽ giúp giải phóng endorphin - một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể và từ đó sẽ giúp làm dịu cảm giác đau của bạn.

2.10. Cách làm giảm đau bụng kinh bằng sử dụng thuốc giảm đau

Cách đơn giản và cho hiệu quả nhanh nhất để xử lý cơn đau do đau bụng kinh đó là dùng các thuốc giảm đau và bạn có thể dễ dàng mua được các thuốc này tại các nhà thuốc. Những thuốc thường được chỉ định gồm có paracetamol và thuốc kháng viêm NSAID. Thuốc NSAID hoạt động theo cơ chế ức chế tiết prostaglandin để làm giảm cơn đau, tuy nhiên điều này cũng gây ra tác dụng phụ là gây khó chịu cho dạ dày thậm chí loét dạ dày nên cần thận trọng khi sử dụng thuốc kháng viêm NSAID nếu bạn có các vấn đề liên quan đến dạ dày. Vậy nên thuốc an toàn và được sử dụng phổ biến hiện nay là paracetamol. 

Trên thị trường có rất nhiều dạng paracetamol, từ viên nén, viên nang, đến viên sủi. Dạng paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp với quy trình sản xuất tiên tiến đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.


 Sử dụng paracetomol để giảm cơn đau bụng kinh nhanh và hiệu quả


Hy vọng bài viết đã cung cấp những thông tin bổ ích để giúp chị em phụ nữ vượt qua cơn đau bụng khi đến chu kỳ hành kinh. Hãy nhớ rằng việc có một lối sống lành mạnh, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất và tập thể dục đều đặn sẽ là chiếc chìa khóa giúp làm giảm nguy cơ cũng như mức độ đau bụng, khó chịu cho các chị em mỗi khi "bà dì" ghé thăm.



NGUỒN THAM KHẢO

1.    The American College of Obstetricians and Gynecologists. Dysmenorrhea: Painful Periods

2.    Heathline. What Causes Painful Menstrual Periods and How Do I Treat Them?

3.    Mayo Clinic. Menstrual cramps



Powered by Froala Editor