Cách điều trị cảm cúm nhanh chóng và hiệu quả ngay tại nhà
Một người lớn khỏe mạnh có thể bị cảm cúm từ 1-2 lần trong năm. Hiện nay tuy chưa có cách chữa khỏi hay phòng ngừa hoàn toàn cảm cúm nhưng có nhiều phương pháp điều trị cảm cúm hữu ích mà bạn có thể áp dụng tại nhà để giúp giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và rút ngắn thời gian bị bệnh. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Cảm cúm là một trong những căn bệnh thường gặp nhất ở bất cứ ai
1. Tìm hiểu về cảm cúm
1.1. Cảm cúm là bệnh gì? Con đường lây truyền và biến chứng của cúm
Cảm cúm, gọi tắt là cúm, là một bệnh lây truyền qua đường hô hấp do vi rút cúm gây ra. Có hai loại vi rút gây ra bệnh cúm ở người là Influenza loại A (cúm A) và B (cúm B).
Những người bị cúm có thể lây lan cho những người khác trong vòng bán kính 2m. Quá trình lây lan chủ yếu thông qua các giọt bắn khi người bị cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Những giọt này có thể rơi vào miệng hoặc mũi của những người ở gần đó hoặc có thể bị hít vào phổi. Đôi khi, một người có thể bị nhiễm vi rút cúm khi vô tình chạm vào bề mặt hoặc đồ vật dính các giọt bắn và sau đó chạm vào miệng, mũi hoặc mắt.
Người trưởng thành khỏe mạnh có khả năng lan truyền vi rút từ khoảng 1 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện cho đến khoảng 5-7 ngày sau khi có triệu chứng. Đối với trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch suy yếu thời gian này có thể kéo dài lâu hơn 7 ngày. Một số người có thể bị nhiễm vi rút cúm nhưng không có triệu chứng. Trong thời gian này, những người đó vẫn có thể lây vi-rút cho người khác.
Bên cạnh các triệu chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường, cúm có thể gây các biến chứng nghiêm trọng bao gồm viêm phổi, nhiễm trùng tai, nhiễm trùng xoang và làm trầm trọng thêm các tình trạng bệnh mãn tính như suy tim sung huyết, hen suyễn hoặc tiểu đường.
1.2. Triệu chứng, biểu hiện của cảm cúm
Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh cúm bao gồm:
● Sốt hoặc ớn lạnh.
● Ho, viêm họng.
● Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.
● Đau đầu, đau cơ hoặc đau toàn thân.
● Mệt mỏi.
● Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, triệu chứng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Cảm cúm thường đi kèm với một chuỗi triệu chứng
1.3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cảm cúm
Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc cảm cúm hơn và tăng khả năng gặp các biến chứng nguy hiểm do cúm hơn, bao gồm:
● Tuổi tác: Cảm cúm dễ xảy ra ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi và người lớn từ 65 tuổi trở lên vì hệ miễn dịch ở những đối tượng này chưa hoàn thiện hoặc bị suy giảm.
● Điều kiện sống hoặc làm việc: Những người sống hoặc làm việc trong viện dưỡng lão hoặc trong bệnh viện có nhiều khả năng bị cúm hơn.
● Suy giảm miễn dịch: Các phương pháp điều trị ung thư, thuốc chống thải ghép, sử dụng corticoid trong thời gian dài, cấy ghép nội tạng hoặc HIV / AIDS có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Điều này có thể khiến bạn dễ bị cúm hơn và cũng làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng.
● Bệnh mãn tính: Các tình trạng mãn tính bao gồm các bệnh về phổi như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim, bệnh hệ thần kinh, rối loạn chuyển hóa, bệnh thận, gan có thể làm tăng nguy cơ gặp biến chứng do cúm.
● Mang thai: Phụ nữ mang thai có nhiều khả năng gặp biến chứng do cúm, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba.
● Béo phì: Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 40 trở lên có nguy cơ mắc các biến chứng cúm cao hơn.
1.4. Phân biệt cảm cúm với cảm lạnh
Các triệu chứng của cảm cúm và cảm lạnh thường bị nhầm lẫn với nhau, tuy nhiên đây lại là 2 bệnh khác nhau.
Cảm lạnh cũng một bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến mũi. Các triệu chứng phổ biến là sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, đau họng, hiếm khi sốt và thường tự hết trong vòng vài ngày. Bệnh này thường xảy ra trong những ngày lạnh và mưa, đó là lý do vì sao nó có tên là cảm lạnh.
Cảm cúm thường khởi phát đột ngột với những triệu chứng đi kèm nặng hơn cũng như kéo dài hơn so với cảm lạnh.
2. Cách điều trị cảm cúm đơn giản, nhanh chóng mà hiệu quả ngay tại nhà
2.1. Uống thuốc hạ sốt và điều trị cảm cúm
Sốt là hiện tượng thân nhiệt tăng tạm thời và là triệu chứng đặc trưng của bệnh cúm, cho thấy rằng cơ thể bạn đang chiến đấu chống lại vi rút. Nghỉ ngơi và uống nước có thể giúp giảm sốt nhưng bạn cũng có thể sử dụng Paracetamol để tạm thời làm giảm triệu chứng sốt. Paracetamol còn giúp giảm đau, điều này rất hữu ích trong điều trị cảm cúm vì nhức đầu và đau cơ rất thường đi kèm với sốt do cúm. Paracetamol có thể sử dụng an toàn cho cả người già, trẻ em và phụ nữ có thai.
Trên thị trường có rất nhiều dạng Paracetamol, từ viên nén, viên nang, đến viên sủi có thể dễ dàng tìm mua tại mọi nhà thuốc. Đặc biệt, dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các triệu chứng của cảm cúm như sốt, đau đầu, đau cơ vì mùi vị dễ uống và hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.
Sử dụng Paracetamol giúp giảm đau, hạ sốt là một trong những cách giúp điều trị cảm cúm
2.2. Vệ sinh mũi họng sạch sẽ với nước muối loãng
Dùng nước muối ấm súc họng có thể làm dịu cơn đau họng, đồng thời cũng giúp làm sạch chất nhầy gây khó chịu tích tụ ở đây. Dưới đây là cách súc họng bằng nước muối đúng cách:
● Đun sôi nước và để ở nhiệt độ phòng cho đến khi nước ấm. Trộn 1/2 muỗng cà phê muối với khoảng 200-300ml nước ấm
● Ngậm nước muối tới cổ họng và khò họng trong khoảng 10 đến 30 giây để nước muối làm sạch miệng và cổ họng của bạn rồi nhổ ra
● Lặp lại việc súc họng từ 2 đến 4 lần
Lưu ý không nên nuốt nước muối và không áp dụng cho trẻ em trừ khi chúng có thể súc miệng bằng nước thường an toàn, đúng cách.
2.3. Bổ sung nước và khoáng đầy đủ
Cảm cúm có thể khiến bạn mất nước, đặc biệt nếu bạn bị nôn mửa hoặc tiêu chảy. Vì vậy, cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất cần thiết trong điều trị cảm cúm. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn có thể giúp làm giảm tắc nghẽn, làm ẩm cổ họng và giảm ho khan.
Tốt nhất là bạn nên sử dụng nước lọc, nước hoa quả hoặc đồ uống điện giải khi bị cảm cúm. Tránh xa đồ uống có chứa caffeine và cồn vì chúng gây mất nhiều hơn. Cách để nhận biết bạn đã cung cấp đủ nước đó là quan sát màu nước tiểu, nước tiểu của bạn phải có màu vàng nhạt hoặc gần như không màu.
2.4. Ăn đồ nóng, lỏng, dễ tiêu hoá và nhiều dinh dưỡng
Tình trạng mệt mỏi khi bị cúm sẽ khiến bạn gặp khó khăn trong việc ăn uống. Việc ăn các đồ ăn lỏng, mềm như súp, cháo nóng sẽ giúp bạn dễ tiêu hoá thức ăn hơn mà vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng và nước cho cơ thể. Hãy ưu tiên nấu bằng nước hầm xương vì có hàm lượng protein cao và có cả các khoáng chất tự nhiên như natri và kali. Thêm vào đó, protein rất quan trọng để xây dựng lại các tế bào miễn dịch.
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ giúp bệnh nhân tăng sức đề kháng và nhanh hồi phục thể lực
2.5. Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc
Việc nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc là rất quan trọng để điều trị cảm cúm nhanh chóng. Ngủ có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi rút cúm. Hãy tạm thời thay đổi thói quen sinh hoạt thường ngày và ưu tiên giấc ngủ để giúp bạn hồi phục nhanh hơn.
2.6. Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Thực hiện chườm nóng hoặc chườm lạnh xung quanh vùng xoang mũi tắc nghẽn có thể giảm bớt khó chịu vùng mũi. Chườm nóng sẽ giúp làm giảm áp lực phần xoang mũi và làm lớp dịch nhầy trong mũi lỏng hơn. Chườm lạnh sẽ làm các mạch máu ở vùng xoang mũi co lại, giúp giảm đau nhanh chóng.
2.7. Kê gối cao khi ngủ
Khi nằm xuống, triệu chứng ngạt mũi có xu hướng bị nặng hơn. Do đó khi kê thêm gối để nâng đầu cao hơn khi ngủ sẽ giúp bạn hít thở dễ dàng và thoải mái hơn, đảm bảo một giấc ngủ ngon hơn.
2.8. Tắm bằng nước ấm, giữ ấm cơ thể
Tắm nước ấm cũng có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm. Bạn có thể thêm một vài giọt tinh dầu vào bồn tắm, chẳng hạn như tinh dầu tràm, hương thảo, cỏ xạ hương, cam, hoa oải hương hoặc bạch đàn, cũng có thể giúp bạn thư giãn và làm dịu các triệu chứng khó chịu mà cảm cúm gây ra.
Tắm bằng nước ấm giúp giảm bớt sự khó chịu do cảm cúm gây ra
2.9. Hạn chế tiếp xúc với những đối tượng dễ bị lây nhiễm xung quanh
Khi trải qua những triệu chứng khó chịu mà cảm cúm mang lại thì đây cũng là khoảng thời gian mà bạn dễ dàng lây truyền vi rút cúm cho những người xung quanh nhất, nhất là người cao tuổi và trẻ em. Vậy nên hãy hạn chế tiếp xúc với người khác nhất có thể, thay vào đó hãy dành thời gian ngủ và nghỉ ngơi trong phòng để nhanh hồi phục hơn.
2.10. Tình trạng nặng cần gặp bác sĩ
Hãy đến gặp bác sĩ nếu các triệu chứng của bạn không cải thiện sau 1 đến 2 tuần hoặc bạn gặp các tình trạng sau đây:
● Khó thở, tức ngực
● Sốt cao hơn 38 °C
● Chất nhầy từ họng, mũi có màu lạ hoặc có máu
● Ho dữ dội
3. Làm thế nào để phòng ngừa cảm cúm
3.1. Tiêm vắc xin đầy đủ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Vì vi rút cúm có thể biến đổi theo từng năm, vì vậy việc tiêm phòng mỗi năm là rất cần thiết, nhất là với các đối tượng đặc biệt như người già, trẻ em và phụ nữ có thai.Thuốc chủng ngừa cúm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm và mức độ nghiêm trọng của nó, đồng thời giảm nguy cơ gặp biến chứng cần phải nằm viện.
3.2. Giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên
Vì vi rút cúm có thể tồn tại một khoảng thời gian trên các bề mặt nên hãy tập thói quen rửa tay thường xuyên sau khi chạm vào các bề mặt có nguy cơ cao như tay nắm cửa, công tắc đèn, quầy giao dịch,... Điều này đặc biệt quan trọng trước khi ăn. Bên cạnh đó hãy tập thói quen hạn chế chạm tay lên mũi, miệng hoặc mắt. Vi rút cúm có thể di chuyển trong không khí và cũng có thể xâm nhập vào cơ thể bạn khi tay bị nhiễm vi rút chạm vào mặt.
Mang theo một chai gel khử trùng tay và sát trùng tay suốt cả ngày khi không có xà phòng và nước. Khi rửa tay, hãy đảm bảo thời gian tay tiếp xúc với xà phòng ấm là ít nhất 20 giây. Rửa sạch tay và lau khô bằng khăn sạch.
Rửa tay thường xuyên giúp phòng ngừa cảm cúm và các bệnh truyền nhiễm, tiêu hoá
3.3. Làm sạch và khử trùng các bề mặt trong nhà
Nếu trong nhà có người bị cúm, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách giữ cho các bề mặt trong nhà sạch sẽ và được khử trùng thường xuyên, điều này có thể tiêu diệt vi vi rút cúm.
Sử dụng chất sát khuẩn như cồn để lau tay nắm cửa, điện thoại, đồ chơi, công tắc đèn và các bề mặt tiếp xúc nhiều lần mỗi ngày. Người bệnh cũng nên cách ly mình đến một nơi nào đó trong nhà.
Nếu bạn là người chăm sóc người cảm cúm, hãy đeo khẩu trang và găng tay dùng 1 lần khi chăm sóc họ và rửa tay ngay sau đó bằng xà phòng.
3.4. Có thói quen sống lành mạnh để nâng cao sức đề kháng
Tăng cường hệ thống miễn dịch là một cách hiệu quả, đơn giản trong cả phòng ngừa lẫn điều trị cảm cúm. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp cơ thể chống lại vi rút xâm nhập và cũng giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khi bạn không may mắc bệnh.
Để tăng cường sức đề kháng, hãy ngủ ít nhất 7 đến 9 giờ mỗi ngày. Ngoài ra, hãy duy trì thói quen hoạt động thể chất thường xuyên, tập thể dục ít nhất 30 phút/lần, 3 lần một tuần kết hợp với một kế hoạch ăn uống lành mạnh, giàu chất dinh dưỡng. Hạn chế đường, đồ ăn vặt và đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, hãy ăn nhiều loại trái cây và rau quả chứa nhiều vitamin và chất chống oxy hóa để tăng cường sức khỏe.
3.5. Chủ động thực hiện và nhắc nhở mọi người che miệng khi ho, hắt hơi
Che miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi ho hoặc hắt hơi sẽ giúp bảo vệ người xung quanh khỏi nguy cơ bị bệnh. Vi rút cúm lây lan chủ yếu qua các giọt nhỏ khi người bị cúm ho, hắt hơi hoặc nói chuyện.
Che miệng khi ho để ngăn chặn phát tán vi rút
Mặc dù các triệu chứng của cảm cúm có thể tự hết nhưng chúng có thể khiến bạn cảm thấy khổ sở. Hãy áp dụng những cách điều trị cảm cúm đơn giản tại nhà để có thể nhanh chóng và dễ dàng vượt qua cơn cảm cúm nhé.
NGUỒN THAM KHẢO:
1. Mayo Clinic. Influenza (Flu).
2. CDC. Key Facts About Influenza (Flu).
3. CDC. Healthy Habits to Help Protect Against Flu.
4. Healthline. 10 Natural Remedies for Flu Symptoms.
5. Healthline. How to Prevent the Flu: Natural Ways, After Exposure, and More.
Powered by Froala Editor