Cách lau mát hạ sốt cho trẻ khi bị sốt
Có nhiều cách để làm hạ cơn sốt ở trẻ, một trong những cách làm hiệu quả là lau mát hạ sốt. Nhưng không phải ba mẹ nào cũng biết cách lau mát sao cho đúng. Vậy cách lau mát hạ sốt cho trẻ như thế nào là đúng? Bài viết sau đây hy vọng có thể giúp cho các bậc phụ huynh nắm rõ vấn đề này.
1. Sốt là gì?
Sốt là một trong những bệnh lý rất phổ biến ở trẻ nhỏ
Sốt là triệu chứng thường xuyên gặp phải ở trẻ em, được định nghĩa khi nhiệt độ cơ thể trẻ đo được ở trán hay nách lớn hơn 37,5oC. Về bản chất, sốt là một phản ứng sinh lý có lợi khi trẻ bị nhiễm khuẩn, vì sốt làm tăng khả năng tiêu diệt vi khuẩn, tăng hoạt động đề kháng của cơ thể và làm giảm lượng sắt tự do trong máu khiến vi khuẩn khó có thể sinh sôi. Tuy nhiên, sốt cao có thể gây rối loạn hoạt động chuyển hoá, gây mất nước, khiến trẻ mệt mỏi và có khả năng xuất hiện cơn co giật khi thân nhiệt của trẻ quá cao. Vì vậy ta cần hạ sốt cho trẻ khi sốt cao để tránh những hậu quả không mong muốn.
Khi sốt, trẻ sẽ có biểu hiện mệt mỏi, cáu kỉnh, quấy khóc nhiều, biếng ăn, giảm các hoạt động vui chơi và sự linh hoạt,… Ngoài ra trẻ có thể xuất hiện những triệu chứng kèm theo liên quan tới các bệnh lý là nguyên nhân gây sốt như: ho, khó thở, đau họng, nôn ói, tiêu chảy,…
2. Những nguy hiểm khi không hạ sốt kịp thời cho trẻ
Như đã nói ở trên, bản thân sốt trong chừng mực là một phản ứng có lợi cho trẻ, nhất là khi trẻ bị nhiễm khuẩn. Nhưng sốt quá cao hoặc thời gian sốt kéo dài có thể gây những bất lợi lên cơ thể trẻ, đặc biệt ở những trẻ có tiền căn bệnh lý về tim mạch hoặc hô hấp, do sốt cao sẽ làm trẻ thở nhanh và tim đập nhanh hơn, gây gánh nặng lên tim và phổi. Sốt quá cao có thể gây rối loạn một số hoạt động chuyển hoá trong cơ thể, gây ra mất nước và khiến trẻ mệt mỏi, biếng ăn, dẫn đến giảm khả năng chống chọi với bệnh tật.
Hiện tại chưa có bằng chứng khoa học về việc sốt cao có thể ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Tuy nhiên, ở những trẻ có cơ địa hay tiền căn co giật khi sốt sẽ dễ co giật hơn khi nhiệt độ tăng cao. Do đó ba mẹ cần cảnh giác khi trẻ sốt cao và chủ động hạ sốt khi nhiệt độ tăng quá cao.
3. Những nhầm lẫn phổ biến của cha mẹ khi chườm/lau hạ sốt cho trẻ
Sử dụng miếng dán hạ sốt:
Miếng dán hạ sốt không đem lại hiệu quả cao như nhiều phụ huynh vẫn nghĩ
Miếng dán hạ sốt hoạt động theo cơ chế hấp thụ và phân tán nhiệt ở vùng da được dán ra ngoài. Khi mới dán lên da sẽ có cảm giác mát lạnh làm bé cảm thấy dễ chịu. Tuy nhiên nếu chú ý quan sát kỹ, ba mẹ sẽ thấy khả năng làm mát của miếng dán không cao và nhanh chóng hết tác dụng. Vùng da được dán miếng dán sẽ rất nhanh trở lại nhiệt độ ban đầu.
Đặc biệt, do không chứa thuốc hạ sốt nên miếng dán loại này không có tác dụng hạ nhiệt cho toàn bộ cơ thể. Hiện nay chưa có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh được hiệu quả của miếng dán hạ sốt, hay khả năng có thể thay thế được thuốc hạ sốt cho trẻ em. Vì vậy, phụ huynh không nên dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt.
Sử dụng nước đá lạnh để chườm hay lau mát:
Hiện nay, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo không sử dụng phương pháp chườm lạnh vì không đem lại hiệu quả giảm sốt ở trẻ, ngược lại việc sử dụng nước lạnh để chườm hay lau mát còn làm các mạch máu co lại, lỗ chân lông cũng co lại làm cho nhiệt trong cơ thể không thoát được ra ngoài và trẻ sẽ càng sốt cao hơn.
Dùng nước quá nóng:
Làn da trẻ mỏng manh và nhạy cảm, nhất là với trẻ nhũ nhi, dùng nước quá nóng để lau mát dễ dẫn đến tổn thương da ở trẻ.
Lau mát cho trẻ bằng rượu, cồn:
Việc dùng rượu, cồn lau khắp người trẻ để hạ sốt khá nguy hiểm vì rượu hay cồn bốc hơi rất nhanh có thể gây ra hiện tượng co mạch, dẫn đến không thải được nhiệt tương tự việc chườm đá lạnh cho trẻ, có thể mát ở ngoài da nhưng nhiệt độ bên trong vẫn cao. Đặc biệt, nếu hạ sốt bằng rượu hoặc cồn công nghiệp có chứa methanol rất dễ dẫn đến ngộ độc do methanol ngấm qua da hoặc do hít phải hơi methanol.
4. Cách lau mát hạ sốt cho trẻ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ:
Cách lau mát hạ sốt cho trẻ là cách hạ sốt vô cùng hiệu quả, nhưng cần thực hiện đúng
Dụng cụ cần chuẩn bị
● Khăn nhỏ: 5 cái, loại mềm, có khả năng thấm nước tốt.
● Nhiệt kế đo nhiệt độ cơ thể
● Pha nước ấm: Cho nước lạnh và nước nóng vào thau sao cho nước trong thau ấm vừa phải, ba mẹ kiểm tra bằng cách cho khuỷu tay vào nước, nếu cảm thấy dễ chịu là được.
Thực hiện:
● Vệ sinh tay sạch
● Để trẻ nằm ngửa trên giường, cởi bỏ quần áo của trẻ.
● Dùng khăn nhúng vào thau nước ấm đã pha sẵn, vắt ráo nước, đặt 2 khăn vào 2 bên nách, 2 khăn vào 2 bên bẹn của trẻ (mỗi vị trí 1 cái), khăn còn lại lau toàn thân cho trẻ.
● Khi khăn bớt ấm, nhúng lại vào chậu nước, vắt ráo nước và lặp lại hành động như trên cho đến khi nhiệt độ giảm.
● Khi nước ở trong thau hết ấm thì thay nước khác hoặc cho thêm nước nóng vào thau, kiểm tra lại nhiệt độ của nước và lau người tiếp cho trẻ.
● Đo lại thân nhiệt của trẻ sau mỗi 15 phút lau mát để kiểm tra sự thay đổi nhiệt độ. Dừng lau khi nhiệt độ < 38°C
● Lau khô người và mặc lại quần áo mỏng cho trẻ
Lưu ý: Khi lau mát cho trẻ động tác lau phải nhẹ nhàng, tránh chà sát mạnh sẽ làm tổn thương da, gây đau rát cho trẻ.
Các trường hợp cần phải cho đi đến cơ sở y tế ngay:
Đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu trẻ sốt cao kéo dài và lau mát không đem lại hiệu quả
● Sốt liên tục kéo dài quá 3 ngày
● Sốt không đáp ứng với thuốc hạ sốt hay các biện pháp hạ sốt thông thường khác
● Sốt kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm như: co giật, li bì khó đánh thức, bỏ ăn/bú, nôn ói tất cả những gì ăn vào, bỏ chơi, thở nhanh co lõm ngực, thở khó…
5. Một số cách hạ sốt nhanh chóng và an toàn khác cho trẻ
- Để trẻ nằm ở nơi thông thoáng khí, mở cửa sổ phòng để không khí lưu thông, cởi bớt quần áo cho trẻ và không ủ trẻ bằng chăn mền, hạn chế nhiều người vây quanh trong lúc trẻ sốt.
- Cho trẻ uống nhiều nước, có thể uống nước hoa quả để bù lại lượng nước trẻ mất khi sốt.
Cần bổ sung nhiều nước, vitamin và khoáng cho trẻ bị sốt
- Cho trẻ uống thuốc hạ sốt: Đây là một trong những cách hiệu quả nhất bên cạnh lau mát để có thể hạ sốt cho trẻ. Nên cho trẻ uống đúng liều lượng theo cân nặng, các cữ thuốc cách nhau đủ thời gian theo khuyến cáo để đảm bảo an toàn và tối ưu khả năng hạ sốt của thuốc. Lưu ý là trẻ sơ sinh và nhũ nhi khi uống thuốc cần sự hướng dẫn của bác sĩ. Một trong những loại thuốc phổ biến, an toàn, dễ sử dụng và có hiệu quả tốt để hạ sốt là Paracetamol. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.
Cho đến nay, lau mát hạ sốt cho trẻ vẫn là một trong những phương pháp hạ sốt hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, được khuyến cáo bởi các bác sĩ và nhiều tổ chức y tế lớn trên thế giới. Hy vọng bài viết trên đã giúp được cho ba mẹ biết cách lau mát hạ sốt cho trẻ đúng cũng như những lưu ý và những sai lầm cần tránh khi lau mát hạ sốt cho trẻ, từ đó có thể giúp con yêu vượt qua cơn sốt để có thể hồi phục bệnh tốt hơn.
NGUỒN THAM KHẢO:
1. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
2. Dinarello CA, Porat R (2015). “Chapter 23: Fever”, in Harrison’s principles of Internal Medicine. McGraw-Hill
Education, 19th ed.
3. Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 177: Fever without a focus”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier,
Philadelphia, 20th ed.
Powered by Froala Editor