Đau đầu thường xuyên là biểu hiện của bệnh gì? Cách khắc phục hiệu quả


Nhức đầu hay đau đầu là bệnh thường gặp ở rất nhiều bệnh nhân, tình trạng phổ biến của đau đầu không chỉ cản trở sinh hoạt hằng ngày, mà còn là nguy cơ báo hiệu cho những bệnh lý khác nhau mà đau đầu chỉ là một trong các triệu chứng. Do đó, để ngăn chặn cơn đau, cải thiện chất lượng cuộc sống cũng như phát hiện sớm các bệnh tiềm ẩn gây ra đau đầu, chúng ta nên tìm hiểu thêm các kiến thức về bệnh thông qua bài viết này.


Đau đầu là một triệu chứng rất thường gặp ở nhiều người, nhưng không nên xem thường


1. Tổng quan về đau đầu

Đau đầu là một triệu chứng khá phổ biến, là cơn đau phát sinh từ đầu hoặc cổ trên cơ thể, bao gồm đau nhói, buốt, cảm giác căng như bị bóp chặt, cơn đau có thể liên tục không ngừng hoặc âm ỉ ngắt quãng, vị trí đau cũng có thể ở một phần (khuôn mặt, hoặc hộp sọ) hoặc toàn phần liên quan đến toàn bộ đầu. Đau nhức đầu thường đi kèm với buồn nôn và nôn, đặc biệt thường xuất hiện ở chứng đau nửa đầu.

Có ba loại chính dựa trên nguồn gốc của cơn đau:

    Đau đầu nguyên phát

    Đau đầu thứ phát

    Đau dây thần kinh sọ, đau mặt và các chứng đau đầu khác

Bệnh nhân có thể có các triệu chứng phù hợp với nhiều loại đau đầu và nhiều loại đau này có thể xuất hiện cùng một lúc.

1.1. Đau đầu nguyên phát (primary headaches)

Là tình trạng mà trong đó, đau đầu chính là bệnh lý chính, chứ không phải chỉ là một triệu chứng nhỏ của bệnh khác (như đau đầu thứ phát). Đây là tình trạng chiếm 90% các loại đau nhức đầu, bao gồm đau nửa đầu migraine, đau đầu căng thẳng (căng cơ), đau đầu cụm, và một số loại ít phổ biến khác.

Đau đầu nguyên phát có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Một số người thỉnh thoảng bị đau, có thể tự giải quyết nhanh chóng trong khi những người khác lại bị ảnh hưởng nặng dẫn đến suy nhược. Mặc dù những cơn đau đầu này không đe dọa đến tính mạng, nhưng cơn đau đầu nguyên phát có thể gây thêm nhiều bệnh lý khác, thậm chí triệu chứng như đột quỵ gây nguy hiểm. 


Đau đầu nguyên phát ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống


1.2. Đau đầu thứ phát (secondary headaches)

Đau đầu thứ phát trái lại chỉ là triệu chứng của một căn bệnh nào đó, là những cơn đau do vấn đề liên quan đến cấu trúc xương hoặc nhiễm trùng tiềm ẩn ở đầu hoặc cổ. Đây là một nhóm bệnh lý rất rộng, có thể nhẹ như đau răng do răng bị nhiễm trùng hoặc đau do xoang bị nhiễm trùng, đến các tình trạng đe dọa tính mạng như xuất huyết não, viêm não hoặc viêm màng não. Đau nhức đầu do chấn thương cũng thuộc loại này.

Ngoài ra, nhóm này cũng bao gồm những cơn đau đầu liên quan đến việc lạm dụng chất kích thích và sử dụng quá mức các loại thuốc được sử dụng để điều trị nhức đầu này.

1.3. Đau thần kinh sọ, đau mặt trung ương nguyên phát và các loại đau đầu khác

Đau dây thần kinh sọ não do tình trạng viêm của một trong 12 dây thần kinh sọ não xuất phát từ não, có chức năng kiểm soát các cơ và mang các tín hiệu cảm giác (chẳng hạn như đau) đến và đi từ đầu và cổ. Ví dụ phổ biến nhất được công nhận là đau dây thần kinh sinh ba, là dây thần kinh cảm giác liên quan đến mặt và có thể gây đau dữ dội trên khuôn mặt khi bị kích thích hoặc viêm.


2. Đau đầu thường xuyên và kéo dài là biểu hiện của những bệnh gì?

2.1. Các bệnh lý có liên quan đến đau đầu


 Đau nhức đầu thường xuyên và kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm


    Đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu là một chứng rối loạn đau đầu mãn tính đi kèm với những rối loạn về thính giác hoặc thị giác. Cơn đau liên quan đến chứng đau nửa đầu cổ điển thường được mô tả là đau nhói và nằm ở 1 bên của đầu, thường không phải là đau toàn bộ. Đặc điểm khác để nhận biết của chứng đau nửa đầu là buồn nôn, nôn và cực kỳ nhạy cảm với ánh sáng, âm thanh và khứu giác.

Đau nửa đầu là loại đau đầu nguyên phát phổ biến thứ hai trong tất cả. Đau nửa đầu ảnh hưởng đến trẻ em cũng như người lớn. Trước tuổi dậy thì, trẻ em trai và gái bị ảnh hưởng như nhau bởi chứng đau nửa đầu, nhưng sau tuổi dậy thì, nhiều phụ nữ bị ảnh hưởng hơn nam giới.

    Viêm xoang mũi

Đau nhức đầu do viêm xoang là một rối loạn đau đầu thứ phát cũng rất phổ biến và do viêm xoang cấp tính gây ra. Khi các xoang sưng lên kèm theo viêm, áp lực sẽ tích tụ trong xoang, gây ra đau ở đầu. Có thể được điều trị bằng cách kiểm soát viêm xoang cơ bản với thuốc kháng sinh hoặc steroid.

    Rối loạn mạch máu não

Một số rối loạn liên quan đến sự hình thành và hoạt động của mạch máu não có thể gây ra đau đầu. Đáng quan tâm nhất trong số các tình trạng này là đột quỵ. Bản thân cơn đau đầu có thể gây ra đột quỵ hoặc kèm theo một loạt các rối loạn mạch máu dẫn tới đột quỵ. Do đó cần phát hiện sớm cũng như chẩn đoán nguyên nhân khi cơn đau này có liên quan đến mạch máu não.

    Phình mạch máu não

Phình mạch não là một tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó một hoặc nhiều mạch máu của não bị phình ra, làm suy yếu các thành mạch. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, túi phình có thể vỡ ra, chảy máu não, gây ra cơn đau đầu cấp tính, dữ dội. Đây là một trường hợp cần được cấp cứu y tế và điều trị càng sớm càng tốt để ngăn chặn tình trạng chết não.

    Tăng áp lực nội sọ

Khối u đang phát triển, nhiễm trùng hoặc não úng thủy (tích tụ nhiều dịch não tủy trong não) có thể làm tăng áp lực trong não và chèn ép các dây thần kinh và mạch máu, gây đau đầu. Đau đầu do tăng huyết áp nội sọ vô căn, có thể được gây ra bởi đông máu trong các tĩnh mạch não lớn hoặc một số loại thuốc (một số loại thuốc kháng sinh, ngừng sử dụng corticosteroid), thường thấy nhất ở phụ nữ trẻ, thừa cân. Mặc dù được gọi là lành tính, tình trạng này có thể dẫn đến mất thị lực nếu không được điều trị kịp thời.

    Các chấn thương vùng sọ não

Đau đầu thường là triệu chứng của chấn động hoặc chấn thương đầu khác. Nó có thể phát triển ngay lập tức hoặc vài tháng sau khi bị một cú đánh hay tác động mạnh vào đầu, với cảm giác đau ở vị trí chấn thương hoặc khắp đầu. Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân của đau nhức đầu sau chấn thương là không rõ. Đôi khi nguyên nhân là do các mạch máu bị vỡ, dẫn đến tích tụ máu. Các hậu quả khác có thể đi kèm sau chấn thương là suy nhược, lú lẫn, mất trí nhớ và co giật.

    Cảnh báo tăng huyết áp/tai biến

Huyết áp cao xảy ra khi lực tác dụng lên thành động mạch quá lớn, có thể gây ra tổn thương cho các thành mạch mỏng manh của hệ thống quan trọng này. Một khi huyết áp đã đến mức nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng, bệnh nhân thường cảm thấy đau đầu dữ dội, khó thở và chảy máu cam. Nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng trên.

    Viêm

Viêm do viêm màng não, viêm não và các bệnh nhiễm trùng khác. Tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể gây hại hoặc phá hủy các tế bào thần kinh và gây ra các cơn đau nhức đầu từ âm ỉ đến dữ dội, tổn thương não hoặc đột quỵ. Viêm não và tủy sống (viêm màng não và viêm não) cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

    Huyết khối 

Đau đầu liên quan đến huyết khối tĩnh mạch não được coi là đau đầu thứ phát, thường biểu hiện như đau do tăng huyết áp nội sọ kết hợp với co giật và / hoặc các dấu hiệu thần kinh. Tuy nhiên, một số trường hợp cũng liên quan đến chứng đau nửa đầu. Cơn đau thường căng thẳng, bùng phát, khó chịu kéo dài, có thể gây ảnh hưởng tới thị lực hoặc gây đột quỵ (do cục máu đông).

    Khối u trong não

Một khối u đang phát triển trong não có thể đè lên các mô thần kinh và thành mạch máu liên quan đến cơn đau, làm gián đoạn giao tiếp giữa não và các dây thần kinh hoặc hạn chế cung cấp máu cho não. Cơn đau đầu có thể tiến triển hoặc âm ỉ, thường xuyên, hoặc có thể đến và đi, trầm trọng hơn khi ho, thay đổi tư thế, hoặc gắng sức, và có thể dữ dội khi thức dậy. Các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị.

2.2. Những bất thường về thể chất và tâm lý liên quan đến đau đầu

    Suy nhược cơ thể (thiếu dinh dưỡng, thiếu ngủ)

Cơ thể bị suy nhược khi thường xuyên ăn không đủ chất, ngủ không đủ giấc. Thiếu ngủ có thể gây ra đau đầu và có thể làm giảm ngưỡng chịu đau của một người. Cơ thể suy yếu lại làm các cơn đau này đến thường xuyên hơn hoặc nhiều hơn. Ngược lại, chứng đau nửa đầu và đau nhức đầu cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.


 Đau nhức đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang bị suy nhược


    Căng thẳng tâm lý

Căng thẳng tâm lý lâu ngày có thể gây ra chứng đau nửa đầu cũng như dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần. Stress hay căng thẳng làm mất cân bằng sản sinh các chất như serotonin và dopamine có thể là nguyên nhân dẫn đến chứng trầm cảm và đau nửa đầu.

    Chứng trầm cảm

Trầm cảm là một tình trạng phức tạp. Nguyên nhân rất có thể là sự kết hợp của các yếu tố khác nhau, bao gồm gen, sinh học và môi trường của một người. Theo một nghiên cứu năm 2009, chứng đau nửa đầu có thể báo trước sự khởi phát của bệnh rối loạn tâm thần, trong đó 11% người tham gia nghiên cứu bị chứng đau nửa đầu và nhiều chứng rối loạn khác nhau: trầm cảm nặng, rối loạn lo âu lan tỏa (GAD), rối loạn nhịp tim, rối loạn lưỡng cực, cơn hoảng sợ, rối loạn hoảng sợ, rối loạn lạm dụng chất, chứng sợ hãi và ám ảnh, ….

    Rối loạn hormone 

Một số cơn đau đầu, đặc biệt là đau nửa đầu có liên quan đến nội tiết tố nữ estrogen. Estrogen kiểm soát các hóa chất trong não ảnh hưởng đến cảm giác đau. Sự sụt giảm nồng độ estrogen có thể gây ra cơn đau đầu. Mức độ hormone thay đổi vì nhiều lý do, có thể do chu kỳ kinh nghiệm, mang thai, tiền mãn kinh hay mãn kinh, hoặc khi bệnh nhân dùng thuốc tránh thai, các liệu pháp thay thế hormone.

    Bị tác dụng phụ của thuốc

Một nguyên nhân cũng rất phổ biến của chứng đau nửa đầu mãn tính là do lạm dụng thuốc gây đau đầu. Dùng thuốc giảm đau thường xuyên cho chứng đau nửa đầu hoặc nhức đầu do căng thẳng có thể dẫn đến đau đầu kéo dài nhiều ngày. Bệnh nhân nên cố gắng tránh sử dụng thuốc giảm đau hơn 2 ngày một tuần. Nếu bạn cần sử dụng thuốc thường xuyên hơn mức này, nên gặp và nói chuyện với bác sĩ để có một giải pháp thay thế phòng ngừa.


3. Cách khắc phục hiệu quả tình trạng đau đầu thường xuyên

3.1. Thăm khám với bác sĩ để tầm soát sớm các bệnh lý nguy hiểm

Như đã biết, đau đầu có thể là triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng mà bạn chưa phát hiện, chẳng hạn như đột quỵ, viêm màng não hoặc viêm não. Do đó, nên thăm khám bác sĩ để tầm soát sớm khi cơn đau dai dẳng kéo dài, hoặc khi có kèm với một trong các triệu chứng khác như lú lẫn, sốt cao trên 39 độ C, ngất xỉu, tê yếu hoặc liệt một bên cơ thể, khó nói, khó đi đứng, buồn nôn hoặc nôn.

3.2. Tránh xa/loại bỏ các tác nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu mà chúng ta có thể kiểm soát được bằng việc hạn chế các hoạt động nặng nhọc, nguy hiểm dễ gây chấn thương, hay ngưng sử dụng các thuốc, hóa chất có thể gây ảnh hưởng đến thần kinh và não, các tác nhân dễ gây ảnh hưởng tâm lý, trầm cảm như stress, căng thẳng cũng nên được loại bỏ ra khỏi cuộc sống hàng ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh

3.3. Dùng thuốc giảm đau với liều lượng thích hợp

Dùng thuốc giảm đau không kê đơn với liều lượng thích hợp là giải pháp an toàn giúp bạn có thể giảm các chứng đau đầu kéo dài, khó chịu. Hiệu quả đạt được tốt nhất được dùng khi có dấu hiệu đầu tiên của cơn đau, vì điều này giúp thuốc có thời gian hấp thụ vào máu và giảm bớt các triệu chứng của bạn. Không nên đợi cho đến khi cơn đau đầu trở nên tồi tệ hơn rồi mới dùng thuốc giảm đau, vì thuốc thường đã quá muộn để phát huy tác dụng. Trong đó, các thuốc phổ biến nhất phải kể đến là paracetamol, ibuprofen, naproxen, codein và aspirin.

Paracetamol là một thuốc hạ sốt, giảm đau tương đối an toàn và dùng được cho nhiều đối tượng, kể cả trẻ em hay phụ nữ đang mang thai và cho con bú. Trong khi đó ibuprofen và aspirin thuộc nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid (NSAIDs), có thể gây ra tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa và thường không nên sử dụng cho trẻ em.


 Không nên lạm dụng thuốc giảm đau để tránh gây những tác dụng phụ không mong muốn


Trên thị trường có rất nhiều dạng Paracetamol, từ viên nén, viên nang, đến viên sủi. Dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp đã và đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.

Lưu ý không nên sử dụng thuốc giảm đau quá mức vì có thể gây ra hiện tượng đau đầu do lạm dụng thuốc.

3.4. Giữ cho tinh thần luôn thoải mái, lạc quan

Sức khỏe tinh thần đóng một vai trò rất quan trọng trong việc điều hòa tất cả các bộ máy sinh học trong cơ thể. Tham gia các hoạt động thể thao, hoạt động xã hội lành mạnh sẽ góp phần giữ cho tinh thần thoải mái, lạc quan, đẩy lùi stress, căng thẳng cũng như các cơn đau trên cơ thể.

3.5. Xây dựng lối sống khoa học (ăn uống ngủ nghỉ hợp lý, tập thể dục đều đặn…)

Cố gắng xây dựng lối sống khoa học như có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, kết hợp vận động thể dục thể thao đều đặn để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể đồng thời giảm tối đa các nguyên nhân gây stress, căng thẳng thần kinh, dễ dẫn đến đau nhức đầu.

Đa số người dân thường xem nhẹ chứng đau đầu bởi vì tính phổ biến của nó. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng đau này, nếu đơn giản chỉ là cơn đau xuất hiện sau các hoạt động căng thẳng hay quá tải thường ngày, thì không cần phải lo lắng. Tuy nhiên, đôi khi chứng đau đầu là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn mà bệnh nhân không thể bỏ qua. Do đó, dù đau ít hay nhiều, ngắn hay kéo dài, bệnh nhân nên có kiến thức đầy đủ kết hợp với lời chỉ dẫn từ các nhân viên y tế để có thể điều trị hiệu quả.



NGUỒN THAM KHẢO:

  1. https://www.webmd.com/migraines-headaches/migraines-headaches-basics
  2. https://www.health.harvard.edu/pain/headache-when-to-worry-what-to-do
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9639-headaches


Powered by Froala Editor