Những bí quyết chữa bong gân hiệu quả và nhanh chóng ngay tại nhà
Bong gân là một chấn thương phổ biến, đặc biệt thường gặp ở những người hay chơi thể thao. Tuy bong gân thường không nghiêm trọng đến mức cần nhập viện nhưng nó sẽ gây đau đớn và bất tiện trong sinh hoạt. Bài viết này sẽ bật mí cho bạn những bí quyết chữa bong gân tại nhà để giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành và giảm nguy cơ tái chấn thương.
Bong gân là một trong những dạng chấn thương xảy ra rất phổ biến
1. Bong gân là tình trạng gì? Nguyên nhân gây bong gân
1.1. Bong gân là tình trạng gì? Biểu hiện
Bong gân là hiện tượng dây chằng - dải mô sợi nối 2 xương với nhau trong khớp - bị kéo căng hoặc rách.
Cần phân biệt giữa bong gân và căng cơ. Căng cơ là tình trạng chấn thương cơ hoặc gân (mô gắn cơ với xương), làm cơ hoặc gân bị dãn căng hoặc rách.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bong gân sẽ khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương và có thể bao gồm:
- Đau đớn
- Sưng tấy
- Bầm tím
- Mất khả năng cử động khớp
- Nghe thấy âm thanh lạ từ khớp tại thời điểm bị thương
1.2. Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây bong gân
1.2.1. Tập luyện thể dục thể thao sai kỹ thuật, không khởi động kỹ
Các vận động viên bắt đầu hoạt động mạnh mà không khởi động trước, chẳng hạn như xoay vai hoặc xoay cổ tay, cổ chân sẽ có nguy cơ cao bị bong gân và căng cơ. Việc khởi động giúp làm nóng cơ thể, tăng lưu lượng máu tới cơ, xương, khớp, từ đó giúp làm tăng sức dẻo dai và sức bền cho những vị trí này.
1.2.2. Tập luyện, lao động nặng nhọc quá sức
Hoạt động quá sức sẽ khiến cơ và dây chằng mệt mỏi, từ đó khả năng hỗ trợ cho khớp bị giảm dẫn đến dễ bị chấn thương, té ngã gây bong gân.
Những người chơi thể thao là đối tượng rất dễ bị bong gân
1.2.3. Mang giày chất lượng kém, không vừa vặn với chân
Mang giày chất lượng kém, không vừa chân hoặc mang giày không chuyên biệt cho hoạt động cụ thể hay địa hình di chuyển cũng là nguyên nhân phổ biến làm tăng nguy cơ bị bong gân. Ví dụ điển hình cho trường hợp này đi giày cao gót khi đi trên bề mặt không bằng phẳng hoặc trơn trượt, đi giày đế thấp thay vì đế cao khi chơi bóng rổ.
1.2.4. Người thừa cân, béo phì
Trọng lượng cơ thể dư thừa sẽ tạo áp lực lớn hơn lên các khớp khi đi bộ, chạy và nhảy, điều này có thể làm tăng khả năng dây chằng bị kéo căng hoặc rách trong quá trình hoạt động. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nguy cơ bị bong gân mắt cá chân ở nam thừa cân cao hơn một chút so với nữ thừa cân.
1.3. Những đối tượng dễ bị bong gân
Bất kỳ ai cũng có thể có nguy cơ bị bong gân. Bong gân có thể xảy ra cho cả người trẻ và người già, cũng như những người tập thể thao lẫn những người chỉ thực hiện các hoạt động thông thường hàng ngày. Bạn có thể có nguy cơ cao bị bong gân hơn nếu:
- Có tiền sử bị bong gân.
- Có thể trạng yếu hoặc thừa cân, yếu cơ.
- Tham gia hoạt động trên các địa hình không bằng phẳng.
- Chơi những môn thể thao thường phải xoay chân như cầu lông, bóng rổ, tennis, bóng bầu dục và bóng đá.
1.4. Khi nào nên đến gặp bác sĩ khi bong gân?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu:
- Bị đau dữ dội và không thể cử động hay tác động lực lên khớp bị thương.
- Khu vực bị thương trông vẹo, có cục u và vết sưng. Xuất hiện sự không đối xứng giữa khớp bị thương và khớp bình thường.
- Có cảm giác tê ở bất kỳ phần nào của khu vực bị thương.
- Xuất hiện mẩn đỏ hoặc những vết đỏ lan rộng ra từ vết thương. Điều này đặc biệt đáng lo ngại nếu có kèm theo vết thương hở tại vùng bị thương.
2. Phân loại bong gân
2.1. Phân loại theo cấp độ
Bong gân có mức độ nặng nhẹ khác nhau và được xác định bởi mức độ tổn thương của dây chằng:
- Cấp độ 1 - mức độ nhẹ: dây chằng chỉ bị giãn 1 chút
- Cấp độ 2 - mức độ trung bình: có sự kết hợp giữa giãn và rách một phần dây chằng
- Cấp độ 3 - mức độ nghiêm trọng: dây chằng bị rách hoàn toàn
2.2. Phân loại theo vị trí
Bong gân có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng thường gặp ở những vị trí dễ có nguy cơ bị thương do ngã và chấn thương. Ba vị trí phổ biến nhất thường xảy ra bong gân là mắt cá chân, đầu gối và cổ tay.
- Bong gân mắt cá chân: thường gặp nhất, xảy ra khi bàn chân vẹo vào trong khi bạn chạy, xoay người hoặc tiếp đất sai tư thế.
- Bong gân đầu gối: trường hợp này hay xảy ra sau một cú đánh vào đầu gối hoặc sau một cú ngã. Xoay đầu gối đột ngột cũng có thể dẫn đến bong gân.
- Bong gân cổ tay: xảy ra khi bị ngã và chống tay khi tiếp đất.
Bong gân có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể
Ngoài ra còn có bong gân khuỷu tay, bong gân lưng, bong gân ngón tay ngón chân và bong gân bả vai.
3. Bí quyết chữa bong gân nhanh chóng và hiệu quả ngay tại nhà
3.1. Cố định vị trí bị bong gân kết hợp nghỉ ngơi, hạn chế vận động
Để vùng gân bị tổn thương nghỉ ngơi là chìa khóa để giảm đau mà chữa lành trong bong gân. Nếu cần thiết, việc đeo nẹp có thể giúp cố định vùng bị thương, giúp hạn chế tác động lực lên vùng này.
3.2. Chườm đá giảm sưng, đau
Khi bị bong gân, chườm đá là phương pháp rất hữu dụng. Độ lạnh từ đá sẽ giúp co mạch máu, giảm sưng viêm và đau đớn.
Hãy thực hiện chườm một túi đá lên vùng bị thương trong 10-15 phút, lặp lại 4-8 lần một ngày. Bạn có thể dùng túi chườm lạnh hoặc bọc đá vào khăn vải sạch để chườm. Không nên chườm đá lâu hơn 20 phút mỗi lần. Một khi bắt đầu cảm thấy tê hoặc khó chịu bạn nên ngừng chườm lạnh.
3.3. Giữ vị trí bị bong gân cao hơn cơ thể
Kê cao vị trí bong gân giúp ngăn tích tụ chất lỏng trong khớp
Nâng cao mắt cá chân hoặc cổ tay bị bong gân sẽ làm giảm sự tích tụ chất lỏng trong khớp. Điều này có thể làm dịu sưng và cũng có thể giúp giảm đau.
Hãy thử ngủ với tư thế mà bàn chân và mắt cá chân được kê trên gối sao cho cao hơn tim. Khi ngồi hoặc nghỉ ngơi, sử dụng gối hoặc ghế đỡ để giữ cho bàn chân và mắt cá chân được nâng cao.
3.4. Sử dụng thuốc giảm đau
Để giảm đau nhức tại nhà, bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn chứa Paracetamol hoặc Ibuprofen. Tuy nhiên Paracetamol vẫn nên là lựa chọn ưu tiên vì ít tác dụng phụ và sử dụng được cho cả các đối tượng đặc biệt như trẻ em, phụ nữ có thai, người cao tuổi. Có thể tìm mua Paracetamol dễ dàng tại các nhà thuốc với nhiều dạng bào chế phong phú, từ viên nén, viên nang, đến viên sủi. Dạng Paracetamol viên sủi nhập khẩu từ Pháp hiện nay đang được các bác sĩ, dược sĩ đánh giá cao và kê đơn phổ biến để điều trị nhanh các cơn đau, hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.
3.5. Tập vật lý trị liệu, xoa bóp để cơn đau thuyên giảm
Xoa bóp sẽ thúc đẩy lưu lượng máu đến vùng bị bong gân nhiều hơn, mang đến các chất dinh dưỡng và nguyên liệu để hồi phục và giảm đau.
Vật lý trị liệu sẽ cần thiết đối với những người bị bong gân mức độ nặng và cần có sự tham gia của chuyên gia vật lý trị liệu. Họ sẽ thăm khám vùng gân bị tổn thương, hỏi về chế độ sinh hoạt hàng ngày và tạo ra một kế hoạch luyện tập phù hợp để thúc đẩy quá trình chữa lành và giảm đau.
3.6. Ăn, uống bổ sung dưỡng chất, phục hồi thể lực
Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hoá, giàu vitamin C như cam, dâu tây, ổi, ớt chuông,... sẽ giúp làm giảm quá trình viêm, đồng thời giúp nhanh hồi phục vùng gân, cơ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, cần tăng cường bổ sung protein từ thịt, sữa, các loại đậu để cung cấp nguyên liệu sữa chữa và tổng hợp tế bào gân, cơ mới, giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục.
4. Biện pháp phòng ngừa tình trạng bong gân
Mặc dù bong gân có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng có một số cách để bạn có thể giảm nguy cơ bị bong gân. Những lời khuyên này bao gồm:
- Tránh tập thể dục hoặc chơi thể thao khi mệt mỏi, cảm thấy không khỏe.
- Duy trì cân nặng hợp lý và chế độ ăn uống cân bằng để giữ cho cơ bắp khỏe mạnh.
- Mang giày vừa vặn, phù hợp với hoạt động.
- Khởi động kỹ trước khi thực hiện bất kì hoạt động thể chất nào, đồng thời tập luyện với cường độ tăng dần, không hoạt động quá sức.
Khởi động kỹ trước khi chơi thể thao giúp ngăn ngừa tình trạng bong gân
Bong gân là một chấn thương phổ biến và thường tự lành. Việc áp dụng những phương pháp điều trị tại nhà phù hợp sẽ giúp tăng tốc độ hồi phục và giảm nguy cơ chấn thương tái phát cho người bệnh.
NGUỒN THAM KHẢO
1. Mayoclinic. Sprains.
2. Clevelandclinic. Sprains of the Ankle, Knee and Wrist.
3. Sports-health. Ankle Sprain and Strain Risk Factors.
4. Medical News Today. Tips for healing a sprained ankle fast.
Powered by Froala Editor