Những lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ
Sốt là triệu chứng phổ biến của một số loại bệnh thường gặp ở trẻ. Ngoài thuốc hạ sốt dạng uống mà chúng ta rất quen thuộc, còn có một dạng thuốc hạ sốt rất hữu hiệu trong các tình huống trẻ không uống được, đó là thuốc hạ sốt nhét hậu môn.
Cần lưu ý hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ
1. Tìm hiểu về thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ
1.1. Tổng quan về các dạng thuốc hạ sốt
● Dạng bột sủi:
Là chế phẩm dạng bột đóng trong từng gói nhỏ tùy hàm lượng. Dạng này được chế tạo hướng tới đối tượng sử dụng là trẻ em nên cũng có mùi vị phù hợp với trẻ, được uống ở dạng lỏng, dễ uống và dễ hấp thu. Cách sử dụng thuốc dạng này cũng rất tiện lợi, khi trẻ sốt chỉ cần pha thuốc với nước sôi để nguội là có thể cho trẻ uống. Thuốc được sản xuất ở nhiều hàm lượng khác nhau dành cho trẻ em (80mg, 150mg, 250mg)
● Dạng viên đạn (viên hạ sốt đặt hậu môn):
Dạng này thường được sử dụng trong trường hợp trẻ sốt kèm theo nôn ói nhiều không thể thuốc uống được, sốt cao co giật hay khi trẻ ngủ sâu ba mẹ không muốn đánh thức. Nhiều trẻ với tâm lý sợ uống thuốc thì đặt thuốc hậu môn cũng là một giải pháp được cân nhắc. Nếu nhà có trẻ em nhỏ dưới 6 tuổi nên dự trữ dạng viên đặt này trong tủ lạnh, đề phòng trẻ sốt cao co giật.
Thuốc hạ sốt dạng viên đạn được chỉ định khi trẻ không thể dùng thuốc qua đường uống
Dạng này được bào chế với 3 hàm lượng là 80mg, 150mg và 300mg. Hiện nay trên thị trường có loại Paracetamol dạng viên đạn khẩu từ Pháp. Hiệu quả hạ sốt của loại này khá nhanh vì Paracetamol dễ dàng được hấp thụ từ niêm mạc trực tràng vào máu, dễ dàng đưa thuốc vào cơ thể trong tình trạng bé nôn ói nhiều hoặc co giật, giúp hiệu quả hạ sốt nhanh và tốt hơn.
● Dạng siro:
Thuốc hạ sốt dạng siro có một ưu điểm lớn là rất dễ cho trẻ sử dụng vì ở dạng lỏng và có mùi vị thơm ngon, tác dụng hạ sốt tương đương với dạng gói bột. Tuy nhiên nó lại hạn chế ở chỗ khó bảo quản, thời gian sử dụng ngắn, một khi đã mở nắp thì phải sử dụng hết trong một thời gian nhất định. Ngoài ra việc chia liều siro cũng phức tạp do ba mẹ phải rất cẩn thận để đong đúng lượng thuốc con cần.
● Dạng viên nén:
Là dạng chế phẩm thuốc hạ sốt phổ biến nhất trên thị trường. Thuốc thường được điều chế thành viên nén cứng đặt trong vỉ. Tuy nhiên loại chế phẩm này thường được sử dụng cho người lớn hoặc trẻ lớn hơn là trẻ nhỏ vì hàm lượng lớn thường vượt quá liều cần thiết sử dụng cho trẻ trong một lần uống, việc phân chia thuốc khó đảm bảo độ chính xác. Hơn nữa, dạng viên nén thường có kích thước lớn và mùi vị đắng nên khó để trẻ uống hơn những dạng còn lại.
● Dạng viên sủi:
Là dạng chế phẩm được sử dụng qua đường uống, khả năng hấp thụ của cơ thể đối với dạng này nhanh hơn và mạnh hơn so với các dạng viên nén hay bao phim do thuốc đã được hòa tan trước khi uống (dạng viên nén/bao phim phải đi vào cơ thể rồi mới tan ra). Dạng này dễ sử dụng và dễ uống. Tuy nhiên, dạng này giống như dạng viên nén là thường được sản xuất ở dạng với hàm lượng cao 500mg nên khó phân chia liều lượng sử dụng phù hợp với tuổi và cân nặng của trẻ.
Thuốc hạ sốt dạng viên sủi tiện dụng
1.2. Tổng quan về thuốc hạ sốt nhét hậu môn
Thành phần chủ yếu của thuốc hạ sốt nhét hậu môn là Paracetamol, có tác dụng giảm đau, hạ sốt. Paracetamol thường được ưu tiên xài ở trẻ em vì an toàn, có ít tác dụng phụ hơn các loại thuốc hạ sốt khác.
● Ưu điểm:
Thuốc hạ sốt nhét hậu môn với thành phần chính là Paracetamol kết hợp cùng một lượng tá dược vừa đủ, tan chảy dễ dàng ở nhiệt độ cơ thể (37 độ C), vì vậy, thuốc tan nhanh chóng khi đặt vào trực tràng.
Hệ thống mạch máu trực tràng dày và lưu lượng máu lớn nên sự hấp thu thuốc qua đường này rất tốt. Đặc biệt, mạch máu trực tràng không qua gan, nên dùng thuốc theo đường này có hiệu quả cao, giảm gánh nặng cho gan trong việc thải độc, tác dụng của thuốc cũng cao do không bị gan phá hủy. Khi dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn không bị ảnh hưởng khi trẻ bị nôn ói hay co giật, hiệu quả nhanh hơn uống.
● Nhược điểm:
Thuốc hạ sốt nhét hậu môn có thể gây ngứa, quá trình đặt thuốc có thể khiến trẻ khó chịu, dẫn đến trung tiện, thậm chí là són phân ra ngoài.
Có thể gây đau rát do nhiễm khuẩn hậu môn. Thuốc còn có thể gây tiêu chảy nếu dùng nhiều lần hoặc khoảng cách các lần dùng quá gần, dùng lâu ngày có thể gây viêm trực tràng.
2. Những điều cha mẹ cần lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ
2.1. Nên sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn cho trẻ khi nào?
Thuốc hạ sốt nhét hậu môn thường được sử dụng trong trường hợp trẻ sốt kèm theo nôn ói nhiều không thể thuốc uống được, sốt cao co giật hay khi trẻ ngủ sâu ba mẹ không muốn đánh thức. Nhiều trẻ với tâm lý sợ uống thuốc thì đặt thuốc hậu môn cũng là một giải pháp được cân nhắc.
2.2. Về liều lượng
Liều dùng của thuốc hạ sốt nhét hậu môn cũng tương tự đường uống: 10 – 15 mg/kg/lần, có thể dùng liều tiếp theo sau mỗi 4 – 6 tiếng (tổng liều trong ngày không vượt quá 60 mg/kg/ngày). Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc đặt hậu môn vì có thể gây ngứa rát, viêm nhiễm hậu môn nếu dùng nhiều lần và kéo dài.
2.3. Về cách đặt thuốc
Hướng dẫn sử dụng thuốc hạ sốt nhét hậu môn đúng cách
2.4. Tác dụng phụ và lưu ý khi sử dụng
● Tác dụng phụ
Quá trình đặt thuốc có thể khiến trẻ khó chịu, ngứa ngáy, gây trung tiện, hay són phân ra ngoài. Thậm chí, có thể gây đau rát do tình trạng nhiễm khuẩn hậu môn. Thuốc còn tác dụng phụ là gây tiêu chảy nếu dùng nhiều lần liên tục, khoảng cách giữa các lần dùng quá ngắn, về lâu dài có thể gây viêm trực tràng.
● Những lưu ý quan trọng về cách dùng thuốc hạ sốt cho trẻ
Thuốc hạ sốt nhét hậu môn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh với nhiệt độ từ 2 - 8 độ C. Trước khi dùng nên kiểm tra viên thuốc đủ độ cứng để có thể đưa thuốc vào trực tràng. Bóc thuốc ra phải nhét ngay vào hậu môn vì sau khi tháo vỏ thuốc dễ tan.
Không nên dùng thuốc hạ sốt nhét hậu môn để hạ sốt thường xuyên cho trẻ. Thuốc chỉ nên dùng khi trẻ không thể uống được thuốc, trẻ nôn ói nhiều, đang co giật hoặc trẻ đang ngủ mà không muốn đánh thức trẻ dậy.
Không dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho trẻ mẫn cảm với Paracetamol, có bệnh lý về gan, bệnh viêm da vùng hậu môn - trực tràng, đang bị chảy máu trực tràng hoặc tiêu chảy. Cũng không nên dùng cho trẻ đang bị táo bón hoặc có bệnh lý về đường hậu môn.
Cần có chỉ định của bác sĩ khi dùng thuốc hạ sốt cho trẻ dưới 3 tháng tuổi: Đây là lứa tuổi nhạy cảm, đặc biệt là trẻ sơ sinh trong giai đoạn 1 tháng đầu đời. Ở giai đoạn này, sốt nhiều khi liên quan đến những bệnh lý nguy hiểm, điển hình như nhiễm trùng, rất dễ chuyển biến nặng nếu không điều trị đúng cách. Mặt khác, các cơ quan trong cơ thể của trẻ còn chưa hoàn thiện chức năng, rất dễ bị tổn thương. Nếu có triệu chứng sốt, tốt nhất ba mẹ nên đưa con đi khám ở cơ sở y tế có chuyên khoa Nhi hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ Nhi khoa về cách dùng thuốc nếu chưa thể đưa con đi khám ngay được.
Không tự ý tăng liều lượng thuốc hoặc rút thời gian giữa 2 lần sử dụng thuốc: Thuốc hạ sốt ở trẻ, cụ thể là Paracetamol, cần một thời gian nhất định để có thể hạ nhiệt độ cơ thể của trẻ xuống. Thời gian thông thường cho việc này có thể từ 15 - 30 phút đến thậm chí 1 - 2 giờ sau uống. Thế nên ba mẹ không nên tự ý cho con uống thêm thuốc vào thời điểm này, nếu con vẫn còn sốt, phải đảm bảo 2 cữ thuốc cách nhau tối thiểu 4 - 6 tiếng đồng hồ. Lúc này, ba mẹ có thể kết hợp thêm lau mát hạ sốt và cho trẻ uống nhiều nước.
Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng của thuốc: Thuốc hạ sốt, đặc biệt là Paracetamol hiện nay rất phổ biến và dễ tìm. Do nhu cầu lớn về loại thuốc này nên đã xuất hiện không ít thuốc bị làm nhái hoặc hết hạn sử dụng được đưa ra thị trường tiêu thụ. Ba mẹ nên sử dụng những sản phẩm thuốc hạ sốt có uy tín lâu năm và mua thuốc tại những nhà thuốc lớn. Nên kiểm tra kỹ xuất xứ nguồn gốc cũng như hạn sử dụng của sản phẩm để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của thuốc.
3. Những biện pháp hỗ trợ hạ sốt khác, bên cạnh việc dùng thuốc
Ngoài cách dùng thuốc hạ sốt, chúng ta còn nhiều biện pháp khác cần phải thực hiện để hỗ trợ trẻ vượt qua cơn sốt cũng như:
● Lau mát hạ sốt
● Cho trẻ uống nhiều nước
● Cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thông thoáng
● Nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc
● Cho trẻ ăn thực phẩm nóng, lỏng, dễ tiêu hoá và dinh dưỡng
● Bổ sung vitamin C qua các loại nước trái cây
Bên cạnh dùng thuốc thì khẩu phần ăn cũng rất quan trọng để trẻ nhanh chóng bình phục
Ngoài thuốc hạ sốt dạng uống mà chúng ta đã quen sử dụng, còn dạng thuốc hạ sốt khác tỏ ra khá hữu hiệu trong một số trường hợp nhất định, đặc biệt là trẻ không thể uống thuốc được, đó là thuốc hạ sốt nhét hậu môn. Hiểu rõ khi nào cần dùng, dùng như thế nào cho hiệu quả và an toàn dạng thuốc này, ba mẹ sẽ giúp con mình mau vượt qua cơn sốt, giúp trẻ thoải mái và dễ chịu để vượt qua cơn bệnh dễ dàng hơn.
NGUỒN THAM KHẢO:
- Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
- Dinarello CA, Porat R (2015). “Chapter 23: Fever”, in Harrison’s Principles of Internal Medicine. McGraw-Hill Education, 19th ed.
- Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 177: Fever without a focus”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
Powered by Froala Editor