Những sai lầm khi hạ sốt cho trẻ mà phụ huynh thường mắc phải
Sốt là một tình trạng các bậc cha mẹ sẽ gặp rất thường xuyên trong quá trình phát triển và lớn lên của con mình, và việc phải hạ sốt cho con sẽ là điều ba mẹ không tránh khỏi. Vậy làm thế nào để hạ sốt cho trẻ đúng cách? Có những sai lầm nào các bậc phụ huynh thường mắc phải? Bài viết dưới đây hy vọng sẽ cung cấp những kiến thức đó cho ba mẹ.
Ba mẹ nên chăm sóc trẻ bị sốt như thế nào cho đúng cách?
1. Tầm quan trọng của việc hạ sốt cho trẻ đúng cách và kịp thời
1.1. Sốt là gì?
Sốt là triệu chứng gặp rất thường xuyên ở trẻ, khi nhiệt độ cơ thể trẻ lớn hơn 37,5 độ C. Thực chất, sốt là một phản ứng có lợi khi trẻ bị nhiễm trùng, làm tăng khả năng diệt vi khuẩn, tăng đề kháng của cơ thể và làm giảm sắt trong máu làm vi khuẩn hạn chế sinh sôi. Tuy nhiên, sốt cao có thể gây rối loạn hoạt động bình thường, gây mất nước, làm trẻ mất sức và có thể co giật ở một số trẻ nhạy cảm. Vì vậy ta cần hạ sốt cho trẻ khi sốt cao để tránh những hậu quả không mong muốn.
Khi sốt, trẻ sẽ mệt mỏi, quấy khóc nhiều, chán ăn, giảm chơi và kém linh hoạt,… Ngoài ra trẻ xuất hiện những triệu chứng liên quan tới các bệnh lý gây sốt như: ho, khó thở, đau họng, nôn ói, tiêu chảy,…
1.2. Những nguy hiểm khi không hạ sốt kịp thời cho trẻ
Sốt cao hoặc sốt kéo dài có thể gây hại cho trẻ, đặc biệt ở trẻ có tiền căn bệnh tim mạch hay hô hấp, vì sốt cao làm trẻ thở nhanh và tim đập nhanh hơn, gây gánh nặng lên tim và phổi. Sốt cao có thể gây rối loạn một số hoạt động chuyển hóa, gây mất nước và khiến trẻ mất sức, giảm khả năng chống chọi với bệnh tật.
Hiện tại chưa có bằng chứng về việc sốt cao ảnh hưởng đến hệ thần kinh của trẻ. Tuy nhiên, ở những trẻ nhạy cảm hay tiền căn co giật, sốt cao sẽ dễ co giật hơn. Vậy nên ba mẹ cần chú ý khi trẻ sốt cao và chủ động hạ sốt.
2. Những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi hạ sốt cho trẻ và cách khắc phục
2.1. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt quá sớm
Một số bậc cha mẹ có xu hướng lo lắng thái quá và cho trẻ uống thuốc hạ sốt từ rất sớm, khi trẻ chỉ sốt nhẹ ở mức 37,5-38 độ C. Như đã phân tích ở phần đầu, sốt nhẹ bản chất là một phản ứng sinh lý có lợi cho cơ thể trẻ để giúp tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Cho uống thuốc hạ sốt quá sớm sẽ ức chế phản ứng này, không có lợi cho quá trình chống chọi với bệnh. Mặt khác, một số trẻ có nguy cơ hạ thân nhiệt nếu dùng thuốc hạ sốt quá sớm.
Thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng khi trẻ sốt cao, lúc nhiệt độ cơ thể từ 38,5 độ trở lên.
Không nên vội vàng cho trẻ uống thuốc quá sớm khi chỉ sốt nhẹ
2.2. Cho trẻ uống thuốc một cách tuỳ tiện, sai liều lượng
Nhiều bậc cha mẹ phạm phải sai lầm rất nguy hiểm là cho uống thuốc hạ sốt một cách tuỳ tiện và thậm chí là sai liều lượng. Có ba mẹ khi thấy con mình uống thuốc hạ sốt rồi mà vẫn còn sốt nên quá lo lắng mà tiếp tục cho con uống liều tiếp theo ngay sau đó. Thực tế thuốc hạ sốt cần một thời gian nhất định để có thể hạ nhiệt độ cơ thể của trẻ xuống, có thể từ 15-30 phút đến thậm chí 1-2 giờ sau uống. Uống thuốc không tuân thủ khoảng cách giữa 2 liều có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm như gây hạ thân nhiệt, ngộ độc gan do quá liều,… Một sai lầm khác là uống sai liều lượng, nếu uống ít hơn liều khuyến cáo, hạ sốt sẽ không hiệu quả. Còn nếu uống quá liều khuyến cáo có thể gây ngộ độc rất nguy hiểm.
Phương pháp hạ sốt đúng cách ba mẹ cần lưu ý:
- Chỉ định dùng thuốc hạ sốt: Khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt.
- Trường hợp khẩn cấp chưa có chỉ định bác sĩ, loại thuốc nên ưu tiên sử dụng là Paracetamol. Đây là loại thuốc phổ biến, an toàn với trẻ, ít gây kích ứng, dị ứng cũng như ít có tác dụng phụ nguy hiểm như các loại thuốc hạ sốt khác.
- Lựa chọn liều lượng thuốc phù hợp: Thuốc hạ sốt Paracetamol có liều lượng sử dụng tuỳ thuộc vào số cân nặng của trẻ, liều lượng thông thường là từ 10 - 15 mg trên mỗi kg cân nặng 1 cữ thuốc. Tối đa 60 mg/kg một ngày. Mỗi cữ thuốc phải cách nhau tối thiểu 4 - 6 giờ, tối đa 4 cữ 1 ngày.
- Lựa chọn dạng thuốc phù hợp với khả năng sử dụng của trẻ: Nên ưu tiên sử dụng dạng thuốc đường uống trước. Nếu có thể nên sử dụng dạng thuốc dạng bột sủi có thể hoà tan trong nước hoặc các thức uống ưa thích của trẻ như sữa hay nước trái cây, điều này sẽ khiến việc cho bé uống thuốc trở nên dễ dàng hơn, thuốc hấp thu nhanh và hiệu quả hơn. Dạng viên đạn nhét hậu môn chỉ nên sử dụng khi: trẻ nôn ói bất cứ thứ gì, trẻ sốt cao co giật hay trẻ ngủ say không tiện đánh thức trẻ dậy. Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút.
2.3. Sử dụng miếng dán hạ sốt
Miếng dán hạ sốt hấp thu và phân tán nhiệt ở da ra ngoài. Khi mới dán sẽ có cảm giác mát lạnh dễ chịu. Tuy nhiên khả năng làm mát của miếng dán không cao và nhanh chóng hết tác dụng. Do không chứa thuốc hạ sốt nên miếng dán không thể hạ nhiệt cho cả thể. Đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của miếng dán hạ sốt để hạ sốt cho trẻ em. Do đó ba mẹ không nên dùng miếng dán thay thế cho thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt.
Miếng dán hạ sốt không “thần hiệu” như nhiều bậc ba mẹ vẫn nghĩ
2.4. Sử dụng nước đá lạnh để chườm hay lau mát
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo không chườm lạnh vì không hiệu quả để giảm sốt ở trẻ, chưa kể chườm lạnh còn làm các mạch máu và lỗ chân lông co lại, làm nhiệt trong cơ thể không thoát được và trẻ sẽ càng sốt cao hơn.
Phương pháp đúng để lau mát hạ sốt cho trẻ là dùng nước ấm. Cách pha như sau: cho nước lạnh và nước nóng vào chậu sao cho nước trong thau ấm vừa phải, ba mẹ kiểm tra bằng cách cho khuỷu tay vào nước, nếu cảm thấy dễ chịu là được.
2.5. Dùng nước quá nóng để lau mát cho trẻ
Da trẻ rất mỏng manh và nhạy cảm, dùng nước nóng để lau mát dễ dẫn đến tổn thương da ở trẻ, thậm chí gây phỏng
Pha nước ấm như hướng dẫn ở mục phía trên để lau mát hạ sốt cho trẻ.
2.6. Lau mát cho trẻ bằng rượu, cồn
Rượu, cồn bốc hơi rất nhanh có thể gây ra hiện tượng co mạch ở trẻ nếu dùng để lau mát, dẫn đến không thải được nhiệt. Đặc biệt, nếu hạ sốt bằng rượu hoặc cồn công nghiệp có chứa methanol dễ gây ngộ độc. Vậy nên, tuyệt đối không dùng rượu, cồn để lau mát hạ sốt cho trẻ.
2.7. Cho trẻ mặc quần áo hoặc đắp chăn quá dày
Trùm kín trẻ bằng chăn hay mặc quần áo dày có thể gây hại cho trẻ vì nhiệt không thoát ra được, làm trẻ sốt cao hơn và có thể co giật. Mặt khác việc làm này còn có thể tạo điều kiện cho vi trùng trên da phát triển gây nhiễm trùng da làm bệnh nặng hơn.
Nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, giúp trẻ hạ sốt hiệu quả hơn.
2.8. Kiêng tắm hoàn toàn cho trẻ
Cơ thể không được tắm là môi trường lý tưởng cho các loại vi trùng phát triển, dễ gây nhiễm trùng cho trẻ và khiến bệnh tình nặng thêm.
Tốt nhất vẫn giữ thói quen tắm rửa vệ sinh hàng ngày cho trẻ.
Không quấn trẻ trong chăn hoặc quần áo quá dày
2.9. Đóng cửa phòng gió kín hoàn toàn
Việc đóng cửa phòng kín gió hoàn toàn tương tự việc mặc quần áo quá dày hay đắp chăn ủ ấm cho trẻ, sẽ khiến không có không khí lưu thông khiến nhiệt lượng trong cơ thể đang sốt của trẻ không thể thoát ra ngoài, khiến tình trạng sốt của trẻ có thể tệ hơn và không hạ sốt hiệu quả được. Mặt khác, môi trường không khí tù đọng không có sự lưu thông là môi trường lý tưởng cho các vi sinh vật có hại phát triển, nguy cơ dẫn đến bội nhiễm và tình trạng bệnh của trẻ ngày càng xấu đi.
Khi trẻ sốt, nên mở cửa thông thoáng để không khí có thể lưu thông giúp trẻ hạ sốt dễ dàng hơn.
3. Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ
- Sốt liên tục hơn 3 ngày
- Sốt uống thuốc hạ sốt không hạ
- Sốt kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm: co giật, li bì, bỏ ăn/bú, nôn ói tất cả, bỏ chơi, thở nhanh co lõm ngực, thở khó.
Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu có các dấu hiệu bất thường
4. Biện pháp phòng ngừa các loại bệnh sốt cho trẻ
- Tiêm vắc xin đầy đủ vẫn là một trong những biện pháp tốt nhất giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân nhiễm trùng có thể gây sốt.
- Tập cho trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi hắt hơi.
- Hướng dẫn trẻ cố gắng tránh dùng tay chạm vào mũi, miệng hoặc mắt, vì đây là những cách chính mà virus và vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với người đang có triệu chứng bệnh, vì hệ đề kháng của trẻ còn yếu rất dễ bị nhiễm bệnh từ người xung quanh.
- Hạn chế đưa trẻ đến những vùng có dịch bệnh.
- Cho trẻ ngủ đủ giấc, ăn uống đa dạng và đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.
- Luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt cho trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc hạ sốt an toàn và hiệu quả nhất hiện nay đối với trẻ em là Paracetamol.
Sốt là một trong những triệu chứng bệnh phổ biến thường gặp nhất ở trẻ. Biết được cách hạ sốt đúng đắn và tránh những sai lầm có thể gặp trong việc hạ sốt ở trẻ sẽ giúp ba mẹ yên tâm hơn trên bước đường đồng hành cùng con vượt qua bệnh tật.
NGUỒN THAM KHẢO:
- Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 176: Fever”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
- Dinarello CA, Porat R (2015). “Chapter 23: Fever”, in Harrison’s Principles of Internal Medicine. McGraw-Hill Education, 19th ed.
- Nield LS, Kamat D (2016). “Chapter 177: Fever without a focus”, in Nelson’s Textbook of Pediatrics. Elsevier, Philadelphia, 20th ed.
Powered by Froala Editor