Trẻ tiêm vắc xin bị sốt: Dấu hiệu bình thường và bất thường, cách xử trí


Tiêm vắc xin bị sốt là tình trạng rất thường gặp ở trẻ em. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không và cách xử trí khi gặp như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho ba mẹ những thông tin giúp ích cho ba mẹ khi gặp tình trạng trẻ bị sốt sau tiêm vắc xin.


Sốt là dấu hiệu rất thường gặp sau khi tiêm vắc xin ở trẻ nhỏ


1. Tầm quan trọng của việc tiêm chủng vắc xin đối với trẻ nhỏ

1.1. Tại sao cần tiêm chủng vắc xin cho trẻ đúng lịch và đầy đủ?

Trẻ em từ lúc sinh ra đã là một cá thể yếu với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, dễ dàng bị vi khuẩn cũng như virus tấn công gây nên những chứng bệnh nguy hiểm. Cho đến nay người ta đã thống kê được hàng chục căn bệnh nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến tính mạng và làm trẻ tàn phế như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi , Rubella, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản,… Nhiều bệnh trong số này hiện đã có vắc xin phòng bệnh với hiệu quả cao. Do đó, việc tiêm chủng vắc xin cho trẻ đúng lịch và đầy đủ rất quan trọng trong việc giúp trẻ có thể chống chọi được các căn bệnh nguy hiểm rình rập, giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh và bình an.

1.2. Những nguy cơ nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn

Nguy cơ rõ ràng nhất nếu trẻ không được tiêm chủng là trẻ sẽ dễ dàng mắc bệnh và biến chứng nặng cũng như có thể tử vong (bạch hầu, uốn ván, sởi…), một số bệnh để lại di chứng rất nặng nề khiến trẻ tàn phế và mất đi cơ hội được phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác (bại liệt, viêm não…). Ngoài ra, việc tiêm chủng muộn khiến trẻ không được bảo vệ đầy đủ và kịp thời làm tăng nguy cơ trẻ bị mắc bệnh từ các mầm bệnh trong cộng đồng. Do đó, trẻ nên được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch nhưng khuyến cáo.

1.3. Những mũi vắc xin cần thiết trong chương trình tiêm chủng mở rộng

Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng là một trong những chương trình y tế công cộng thành công nhất, giúp giảm rõ rệt cũng như loại trừ 1 số căn bệnh phổ biến dễ gây hậu quả nghiêm trọng ở trẻ em. Dưới đây là lịch tiêm chủng nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em được ban hành theo Thông tư số 38.2017.BYT ngày 17.10.2017 của Bộ Y tế:


STT  
  NHÓM TUỔI 
VẮC XIN
1
 Sơ sinh 
  • Tiêm vắc xin Viêm gan siêu vi B (VGB) mũi 0 trong 24 giờ đầu sau sinh
  • Tiêm vắc xin BCG Phòng bệnh lao
2
 2 tháng tuổi 
  • Tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 1 (bạch hầu + ho gà + uốn ván + viêm gan siêu vi B + Hib)
  • Uống vắc xin bại liệt lần 1
3
3 tháng tuổi
  • Tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 2
  • Uống vắc xin bại liệt lần 2
4
 4 tháng tuổi 
  • Tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi 3
  • Uống vắc xin bại liệt lần 3
5
9 tháng tuổi
  • Tiêm vắc xin sởi mũi 1
6
 Từ 12 tháng tuổi
  • Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 1
  • Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 2 (hai tuần sau mũi 1)
  • Tiêm vắc xin Viêm não Nhật Bản mũi 3 (một năm sau mũi 2)
7
Từ 18 tháng tuổi 
  • Tiêm vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4
  • Tiêm vắc xin sởi - rubella (MR)

Cần tuân thủ đúng thời gian và số mũi quy định để đảm bảo hiệu lực vắc xin tốt nhất


2. Trẻ tiêm vắc xin bị sốt là dấu hiệu bình thường hay bất thường? Có nguy hiểm không? Cách xử trí như thế nào?

2.1. Vì sao sau khi tiêm chủng trẻ thường bị sốt?

Thực chất việc tiêm chủng giống như chúng ta cho cơ thể của trẻ “tập trận”, vắc xin chứa những thành phần của virus, vi khuẩn gây bệnh đã được xử lý an toàn để khi đưa vào không gây hại cho cơ thể trẻ. Những thành phần này đóng vai như “quân địch”, giúp hệ miễn dịch nhận diện và làm quen cũng như học cách đối phó để lần sau khi bị lây nhiễm thực sự, trẻ có thể dễ dàng vượt qua nhờ hệ miễn dịch làm việc hiệu quả.  Do cơ thể trẻ xem những thành phần trong vắc xin như “quân địch”, nên sau khi tiêm, cơ thể sẽ phản ứng gần giống như khi trẻ bị lây nhiễm, mà trong đó thường gặp nhất là triệu chứng sốt. Do đó, trẻ tiêm vắc xin bị sốt là tình trạng rất phổ biến và không khó hiểu.

2.2. Sốt sau tiêm vắc xin có nguy hiểm không?

Hiểu nguyên do vì sao trẻ sau tiêm bị sốt như trên, chúng ta sẽ thấy đây là phản ứng rất bình thường của nhiều trẻ sau tiêm vắc xin. Tuy nhiên ba mẹ cần lưu ý, phản ứng sốt sau tiêm này thông thường chỉ ở mức nhẹ, đa số chỉ sốt từ 38,5 độ C trở xuống và không kèm theo dấu hiệu nguy hiểm nào khác. Nếu trẻ sốt cao > 39 độ C hoặc có các dấu hiệu sau đây ba mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất:

    Co giật

    Khóc thét

    Khóc dai dẳng không dứt

    Khò khè, khó thở

    Tím tái

    Nổi mẩn đỏ

    Sưng to nơi tiêm

2.3. Cách xử trí trẻ bị sốt sau tiêm vắc xin:

Trường hợp trẻ chỉ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C:

    Chưa cần cho uống thuốc hạ sốt, tiếp tục theo dõi nhiệt độ và tổng trạng của trẻ.

    Dùng khăn ấm lau mát cho bé một số vùng như nách bẹn, trán để hạ nhiệt.

    Mặc quần áo thông thoáng, không mặc nhiều lớp cũng như ủ trẻ.

    Giữ nhà cửa thoáng mát tạo sự thoải mái giúp trẻ mau hết sốt.


Lau mát hạ sốt cho trẻ khi trẻ sốt dưới 38,5 độ C


Trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, thuốc hạ sốt thường được dùng là Paracetamol, có liều lượng sử dụng tuỳ thuộc vào số cân nặng của trẻ, liều lượng thông thường là từ 10 - 15 mg trên mỗi kg cân nặng cho 1 cữ thuốc. Tối đa 60 mg.kg một ngày. Mỗi cữ thuốc phải cách nhau tối thiểu 4 - 6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt, mỗi ngày có thể uống tối đa 4 cữ. 

Trên thị trường có rất nhiều thương hiệu Paracetamol nhưng thương hiệu Paracetamol nhập khẩu từ Pháp có nhóm sản phẩm chuyên biệt dành cho trẻ với đa dạng liều lượng và dạng dùng: Dạng gói bột sủi tiện lợi pha được chung với nước trái cây hoặc sữa cho bé dễ dàng sử dụng hay dạng viên đặt hậu môn dành cho trẻ khi bị nôn ói, khó uống thuốc. Sản phẩm đem lại hiệu quả hạ sốt nhanh chóng chỉ sau từ 10 - 60 phút


 Chỉ cho trẻ uống thuốc khi sốt cao trên 38,5 độ C


Tuy nhiên ba mẹ cần lưu ý, nếu tình trạng sốt cao kéo dài thì nên lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và thăm khám.


3. Chăm sóc trẻ trước và sau khi tiêm vắc xin

Cha mẹ lưu ý cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi tiêm, không để bụng đói. Sau khi tiêm cho trẻ ăn uống bình thường.

Cần chủ động thông báo với cán bộ y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ như: Đang bệnh, đang sốt, tiền căn sinh non, dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm vắc xin trước và đề nghị được cán bộ y tế thăm khám của con mình trước khi tiêm vắc xin Hỏi cán bộ y tế loại vắc xin trẻ được tiêm.

Chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ sau tiêm: Ít nhất 30 phút tại điểm tiêm và ít nhất 24 giờ sau tiêm.

Trong khoảng thời gian nói trên, nếu cha mẹ nhận thấy trẻ xuất hiện các biểu hiện bất thường như: Sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, bỏ bú, khó thở, tím tái,... cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám. Những biểu hiện bất thường sau khi tiêm chủng rất hiếm gặp và có thể dễ dàng xử lý nếu phát hiện kịp thời.


Đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bất thường


Tóm lại, trẻ tiêm vắc xin bị sốt là tình trạng rất thường gặp và đa số không nguy hiểm. Bằng cách theo dõi và chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn trong bài viết, ba mẹ có thể hỗ trợ trẻ vượt qua giai đoạn này. Tuy nhiên ba mẹ cũng cần lưu ý những dấu hiệu bất thường và nguy hiểm để xử lý kịp thời.


NGUỒN THAM KHẢO:

1.    http://www.who.int.topics.immunization.en

2.    http://www.tiemchungmorong.vn

3.    Stanley AP (2018). Plotkin’s Vaccines. Vaccine Immunology, pp.16-34.

4.    Larry KP, Walter AO (2016). “Immunization Practices”, in Nelson Textbook of Pediatrics. Elsevier, 20th ed, pp.1242-1259.

Powered by Froala Editor