Vai trò của việc giảm đau sau mổ, các biện pháp giảm đau sau mổ


Sự đau đớn sau mổ có thể được hạn chế tối đa trong nền y tế hiện đại như ngày nay. Thuốc giảm đau và thuốc gây tê có thể kiểm soát cơn đau sau mổ và giúp cơ thể bạn mau lành hơn, phương pháp này được gọi chung là giảm đau sau mổ.


Giảm đau sau mổ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với quá trình hồi phục của bệnh nhân


1. Tổng quan về tình trạng đau sau mổ

1.1. Đau sau mổ là gì?

Đau sau phẫu thuật là một trong những loại đau cấp tính phổ biến nhất. Mức độ đau sau mổ thường phụ thuộc vào tính chất của phẫu thuật, kỹ thuật mổ và khả năng chịu đau của bệnh nhân. Thông thường cơn đau sẽ cải thiện theo thời gian. Đối với những ca phẫu thuật nhỏ, cơn đau sẽ ít hơn và thường kéo dài sau 3 đến 4 ngày đầu tiên. Đối với các ca phẫu thuật lớn và phức tạp hơn, cơn đau có thể mất nhiều thời gian hơn để cải thiện và cần có nhiều phương pháp để giúp bệnh nhân giảm đau.

1.2. Các phương pháp đánh giá mức độ đau

Ngoài việc thăm khám trực tiếp, các bác sĩ sẽ cần sử dụng đến các thang đo để đánh giá chính xác mức độ đau, từ đó có chiến lược giảm đau phù hợp. Các phương pháp đánh giá mức độ đau thường được dùng là:

  • Dùng thang điểm số: Bệnh nhân tự nêu một số tương ứng với mức độ đau mà họ cảm nhận, con số trong khoảng 0 - 100. Số 0 là bệnh nhân không đau, số 100 là bệnh nhân đau không chịu nổi.
  • Dùng thang chia mức độ: Thang có các giá trị là 0 - không đau, mức 1 - đau mức độ ít, mức 2 - đau mức độ trung bình và mức 3 - đau mức độ nhiều.
  • Dùng thước EVA (Echelle visuelle Analogue): Là loại thước có 2 mặt, chiều dài 10cm, được đóng kín ở 2 đầu. Ở mặt không có số, một đầu ghi “không đau”, một đầu ghi “đau không chịu nổi”, trên thước có con trỏ có thể di chuyển được để chỉ mức độ đau mà bệnh nhân cảm nhận được. Mặt còn lại có chia vạch là 0 - 100, đầu 0 tương ứng với “không đau”, đầu 100 tương ứng với “đau không chịu nổi”. Đây là dụng cụ đơn giản nhất để đánh giá mức độ đau. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc giảm đau khi giá trị đau từ 30 trở lên.


1.3. Những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đau

Việc rạch da khi mổ sẽ kích thích các sợi thần kinh phát tín hiệu đau. Khi vết mổ bắt đầu lành lại, cơn đau sẽ giảm dần và cuối cùng chấm dứt. Mức độ đau và thời gian kéo dài đau sau mổ có thể phụ thuộc vào một số yếu tố như:

  • Sức khỏe tổng thể trước và sau khi mổ
  • Sự hiện diện của các bệnh mắc kèm
  • Stress, lo lắng quá mức
  • Có thói quen hút thuốc lá


Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mức độ của cơn đau


2. Ý nghĩa của việc giảm đau sau mổ

Kiểm soát cơn đau cấp tính sau mổ là điều quan trọng không chỉ trong giai đoạn ngay sau phẫu thuật mà còn để ngăn ngừa các biến chứng sau phẫu thuật, cụ thể là:

  • Giảm đau có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái hơn. Điều này làm giảm căng thẳng và tạo điều kiện giúp cơ thể chữa lành.
  • Giúp tăng khả năng vận động. Nếu bạn cảm thấy bớt đau, bạn có thể bắt đầu di chuyển xung quanh hoặc đi bộ. Điều này giúp tránh các vấn đề như lở loét, đông máu và nhiễm trùng.
  • Hạn chế biến chứng xảy ra. Những người được kiểm soát tốt cơn đau dường như sẽ hồi phục tốt hơn sau khi mổ, ít gặp các biến chứng do mổ hơn.
  • Đồng thời việc không để bệnh nhân chịu đau cũng là một trong những nguyên tắc về đạo đức mà các bác sĩ, dược sĩ luôn hướng tới trong quá trình điều trị cho bệnh nhân.


3. Các biện pháp giảm đau sau mổ

3.1. Giảm đau sau mổ bằng thuốc qua đường uống

Sử dụng thuốc giảm đau đường uống sẽ được chỉ định khi bạn đã phục hồi nhu động ruột và có khả năng uống thuốc, thường là trước khi xuất viện và sẽ tiếp tục được dùng tại nhà để kiểm soát cơn đau. Bạn có thể chỉ cần dùng 1 thuốc đơn lẻ hoặc đôi khi là kết hợp các thuốc với nhau, các thuốc được kê thường là opioid, paracetamol và NSAID. Tuy hiệu lực giảm đau của opioid và NSAID mạnh hơn paracetamol nhưng các thuốc này lại gây ra nhiều tác dụng phụ hơn như loét dạ dày, ức chế nhu động ruột,... và có chống chỉ định cho một số đối tượng. Vậy nên paracetamol vẫn là lựa chọn an toàn và tối ưu nhất thường được sử dụng.

Paracetamol trên thị trường có rất nhiều dạng bào chế phong phú như viên nén, viên nang, viên sủi. Tuy nhiên khi sử dụng cho mục đích giảm nhanh các cơn đau, các bác sĩ thường ưu tiên sử dụng dạng paracetamol viên sủi, đặc biệt là loại viên sủi nhập khẩu từ Pháp vì công nghệ sản xuất tiên tiến, cho hiệu quả giảm đau chỉ từ 10 - 60 phút sau khi sử dụng.

3.2. Giảm đau sau mổ bằng đường tĩnh mạch

Trước khi phẫu thuật bạn sẽ được tạo một đường truyền với tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay để truyền dịch, thuốc an thần, thuốc gây mê, kháng sinh hoặc thuốc giảm đau. Đường truyền này có thể được sử dụng để cung cấp thuốc giảm đau cho đến khi bạn có thể uống thuốc qua đường miệng.


 Giảm đau qua tĩnh mạch được dùng cho những trường hợp không thể uống thuốc giảm đau


3.3. Bơm thuốc qua catheter ngoài màng cứng

Trong giảm đau ngoài màng cứng, thuốc giảm đau được tiêm qua một ống thông đưa vào khoang ngoài màng cứng của bạn. Phương pháp này thường được sử dụng khi phụ nữ chuyển dạ và sinh con hoặc trong các thủ thuật như mổ lấy thai hoặc một cuộc phẫu thuật lớn ở bụng.

3.4. Gây tê tủy sống

Một số phẫu thuật có thể được thực hiện với phương pháp gây tê tủy sống bằng cách bơm các loại thuốc gây tê trực tiếp vào dịch tủy sống.

Gây tê tủy sống dễ dàng và nhanh hơn so với giảm đau ngoài màng cứng nhưng nó không kéo dài lâu vì không có ống thông để cho phép sử dụng thêm thuốc. Bác sĩ có thể thêm Opioid tác dụng kéo dài vào thuốc điều trị gai cột sống có thể giảm đau sau phẫu thuật trong tối đa 24 giờ.


 Gây tê tủy sống dễ dàng và nhanh hơn so với giảm đau ngoài màng cứng


3.5. Gây tê đám rối thần kinh

Gây tê đám rối thần kinh là một kỹ thuật gây tê một vùng cụ thể, thường là cánh tay hoặc chân. Phương pháp này tiến hành bằng cách đưa thuốc tê vào khu vực đám rối thần kinh chi phối cánh tay hoặc chân để ngăn chặn cảm giác đau ở những vị trí này truyền lên não.

Để giảm đau kéo dài vài giờ, bác sĩ sẽ tiêm một mũi tiêm để gây tê đám rối thần kinh. Để kiểm soát cơn đau lâu hơn sẽ cần một đường truyền để truyền thuốc liên tục.

3.6. Giảm đau sau mổ bằng thuốc tiêm vào ổ khớp

Phương pháp này được thực hiện cuối phẫu thuật nội soi khớp gối hay khớp vai, sau khi đã hút khô dịch.


Giảm đau sau mổ không chỉ có ý nghĩa về mặt y học mà còn về mặt nhân đạo


Hãy nhớ rằng sự phối hợp của bạn trong quá trình giảm đau sau mổ cũng rất quan trọng. Hãy chia sẻ tình trạng đau với bác sĩ một cách cụ thể, chân thật và đừng cố chịu đựng cơn đau một mình. Như vậy các bác sĩ mới có thể giúp bạn chữa cơn đau hiệu quả nhất.


NGUỒN THAM KHẢO:

  1. Mayo Clinic. Pain medications after surgery.
  2. Familydoctor. Pain Control After Surgery: Pain Medicines.
  3. Điều trị đau sau mổ - HỘI GÂY MÊ HỒI SỨC VIỆT NAM.
  4. Pubmed. Risk Factors for Increased Postoperative Pain and Recommended Orderset for Postoperative Analgesic Usage.


Powered by Froala Editor